Kết quả khảo sát do hãng IHS Markit công bố ngày 21/5 cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có khả năng đã chạm đáy sau khi trải qua sự sụt giảm nghiêm trọng do tác động của các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Suy giảm kinh tế ở 19 quốc gia Eurozone tiếp tục diễn ra trong tháng Năm này. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, kinh tế các nước Eurozone tiếp tục đi xuống, nhưng tốc độ đã giảm do nhiều lĩnh vực kinh tế bắt đầu hoạt động trở lại sau khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng dần dần.
Theo IHS Markit, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone trong tháng Năm ở mức 30,5 điểm. Dù chỉ số này cao hơn mức 13,5 điểm trong tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn ngưỡng trung bình 50 điểm. Nếu chỉ số PMI xuống dưới 50 điểm, nền kinh tế đó bị đánh giá là đang suy giảm các hoạt động kinh tế.
Hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức và Pháp ghi nhận mức suy giảm hoạt động kinh doanh lần lượt ở mức 34,1 điểm và 32 điểm, các nước còn lại sụt giảm mạnh hơn nữa.
[Eurozone: Lạm phát sau điều chỉnh tháng 4/2020 thấp nhất gần 4 năm]
Theo nhà kinh tế trưởng của IHS Markit, ông Chris Williamson, các số liệu trên cho thấy tình trạng suy giảm kinh tế ở Eurozone vẫn tiếp diễn nhưng ít nhất cũng đưa ra những dấu hiệu trấn an rằng sự suy thoái có khả năng đã chạm đáy trong tháng Tư.
Theo ông Williamson, GDP trong quý 2 của Eurozone vẫn có khả năng giảm xuống mức thấp chưa từng thấy, giảm khoảng 10% so với quý trước đó, nhưng chỉ số PMI đã nhích lên làm tăng thêm hy vọng rằng sự suy giảm hoạt động kinh tế sẽ chậm lại khi các biện pháp phong tỏa tiếp tục được nới lỏng vào mùa Hè này.
Hãng khảo sát Capital Economics cũng đồng quan điểm rằng số liệu khảo sát cho thấy suy thoái kinh tế ở Eurozone có thể đã chạm đáy trong tháng Tư, đồng thời đem lại hy vọng nền kinh tế khu vực này đang phục hồi chậm.
Theo Capital Economics, sự suy giảm ở Pháp nặng hơn vì nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế muộn hơn. Capital Economics cũng cảnh báo hoạt động kinh tế ở Eurozone có khả năng sẽ vẫn trì trệ ngay cả khi các biện pháp phong tỏa dần dần được dỡ bỏ.
Việc khảo sát chỉ số PMI cho thấy đại dịch COVID-19 đã khiến các hoạt động kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa, phá vỡ chuỗi cung ứng và làm giảm nhu cầu. Tỷ lệ việc làm bị cắt giảm cũng tiếp tục ở mức chưa từng thấy.
Giãn cách xã hội và các biện pháp phong tỏa khác nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch... Các nhà quản lý được hỏi ý kiến vẫn rất bi quan về tình hình kinh tế trong vòng 12 tháng tới./.