Mặc dù mục tiêu chính đáng là giúp các nước nghèo nhất thế giới ứng phó với đại dịch COVID-19, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) mới đây đã bày tỏ lo ngại về khả năng tham gia kế hoạch hoãn thanh toán nợ cho những nước này.
Tháng trước, chính phủ các nước thuộc nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đồng ý hoãn việc thanh toán nợ cho 76 nước nghèo nhất thế giới trong 1 năm (tính từ ngày 1/5/2020).
Động thái này được thúc đẩy bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), được coi là một quyết định nhanh chóng phù hợp với tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và G20 đã kêu gọi các ngân hàng tư nhân cùng tham gia.
[IMF, WB hoanh nghênh G20 giãn nợ cho các nước nghèo nhất thế giới]
Trong bức thư gửi IMF, WB và Câu lạc bộ Paris (một nhóm không chính thức gồm 19 quốc gia chủ nợ, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính như cho vay tái thiết đất nước, nợ ân hạn và hoãn nợ, xoá nợ cho các nước mắc nợ khó trả), Chủ tịch IIF Tim Adams ca ngợi hành động này, nhưng nhấn mạnh về những thách thức trước mắt.
Theo ông Adams, việc tạm dừng thanh toán nợ có thể khiến các cơ quan xếp hạng tín nhiệm hạ mức xếp hạng tín nhiệm nợ của các quốc gia liên quan hoặc có thể làm giảm khả năng vay của các quốc gia này.
Theo dữ liệu từ IIF, 76 quốc gia nghèo nhất thế giới đủ điều kiện được hưởng trợ giúp từ sáng kiến trên đối mặt với khoản nợ khoảng 30 tỷ USD phải thanh toán trong năm nay, bao gồm khoảng 13 tỷ USD nợ các chủ nợ tư nhân.
G20 ước tính sáng kiến hoãn nợ sẽ cung cấp khoảng 20 tỷ USD thanh khoản cho các quốc gia này. Song, ông Adams nhấn mạnh đối với các khoản nợ của các chủ nợ tư nhân, điều bắt buộc là các nước đi vay phải được thông báo đầy đủ về các hậu quả tiềm tàng đối với việc tiếp cận thị trường nợ khi bị yêu cầu đình chỉ dịch vụ nợ./.