ILO: Cần đảm bảo an sinh, việc làm tốt hơn cho giúp việc gia đình

ILO: Cần đảm bảo an sinh, việc làm tốt hơn cho giúp việc gia đình

Công ước về Lao động giúp việc gia đình đã được thông qua cách đây 11 năm nhưng còn phải mất nhiều thời gian để xây dựng các quy chuẩn mới để công việc chăm sóc và giúp việc gia đình được tôn trọng.
ILO: Cần đảm bảo an sinh, việc làm tốt hơn cho giúp việc gia đình ảnh 1Ngày nay phụ nữ làm công việc giúp việc gia đình chủ yếu là người di cư trong nước và quốc tế. (Ảnh minh họa: VNN)

Nhân Ngày Quốc tế của người giúp việc gia đình 16/6, Tổ chức Lao động thê giới (ILO) đã công bố một ấn phẩm mang tên “Biến quyền an sinh xã hội thành hiện thực cho người lao động giúp việc gia đình.”

Ấn phẩm cho hay hơn 2/3 số lao động giúp việc gia đình ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương không được hưởng bất kỳ một loại trợ cấp an sinh xã hội nào. Bên cạnh đó, 3/5 số lao động giúp việc gia đình ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương vẫn không thuộc diện được bảo vệ bởi luật lao động và hơn 70% không được áp dụng giới hạn pháp lý về thời gian làm việc. 

Rào cản từ tư tưởng truyền thống

Công việc chăm sóc và giúp việc gia đình từ lâu đã được phụ nữ thực hiện trong gia đình mà không được trả công hay không được công nhận. Phần lớn lao động giúp việc gia đình là phụ nữ và ngày nay phụ nữ làm công việc giúp việc gia đình chủ yếu là người di cư trong nước và quốc tế.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của ILO cho rằng những rào cản đối với việc cải thiện quyền của người lao động giúp việc gia đình bắt rễ sâu xa từ các chế độ phụ hệ và thứ bậc, vốn đánh giá thấp công việc của phụ nữ và coi nhà là không gian riêng tư và không nên được coi là nơi làm việc. Phá bỏ những rào cản này có thể là một thách thức đối với những người vẫn duy trì tư tưởng truyền thống như vậy.

Đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ tình trạng bất bình đẳng hiện hữu. Theo bà Chihoko Asada-Miyakawa, khi mọi gia đình phải làm việc và học tập tại nhà trong thời kỳ phong tỏa, lao động giúp việc gia đình giúp duy trì sự ổn định của các hộ gia đình. Nhiều người vẫn tiếp tục làm công việc này, mặc dù khối lượng công việc và thời giờ làm việc của họ tăng lên, cũng như họ phải sống xa gia đình, bạn bè và không được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn có lao động giúp việc gia đình vẫn bị sa thải do người sử dụng lao động lo sợ bị lây nhiễm COVID từ họ.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa chỉ ra thực tế rằng hầu hết người sử dụng lao động không có nghĩa vụ phải trả trợ cấp thôi việc, thêm vào đó, lao động giúp việc gia đình thường không thuộc diện bao phủ của các chương trình trợ cấp xã hội do COVID-19. Những người lao động giúp việc gia đình di cư cũng bị mắc kẹt khi biên giới quốc tế bị đóng cửa và không thể về nhà. Kết quả là các gia đình sống phụ thuộc vào kiều hối của mà lao động giúp việc gia đình gửi về đối diện khó khăn về kinh tế.

Cần khuôn khổ pháp lý

ILO đã ban hành Công ước về Lao động giúp việc gia đình, 2011 (Số 189) và Công ước về phòng chống Bạo lực và Quấy rối, 2019 (Số 190). Thế nhưng, việc phê chuẩn sẽ phải mất nhiều thời gian để xây dựng các quy chuẩn, nguyên tắc mới để công việc chăm sóc, giúp việc gia đình được tôn trọng, đặc biệt là lao động nữ được coi trọng và được an toàn trong lao động.

“Mặc dù Công ước về Lao động giúp việc gia đình đã được thông qua cách đây 11 năm và 52% lao động giúp việc gia đình trên thế giới tập trung ở châu Á và Thái Bình Dương, nhưng trong khu vực mới chỉ có Philippines đã phê chuẩn công ước này. Trong khu vực cũng mới chỉ có Fiji đã phê chuẩn Công ước về phòng chống Bạo lực và Quấy rối. Chúng ta có thể làm tốt hơn thế,” bà Chihoko Asada-Miyakawa nhấn mạnh.

Bà Chihoko Asada-Miyakawa cho rằng các chính phủ trong khu vực nên hành động để thay đổi tư duy, luật pháp và thực tiễn đã khiến người lao động giúp việc gia đình trở nên dễ bị tổn thương. Mỗi hộ gia đình sử dụng người giúp việc gia đình phải đảm bảo họ được trả ít nhất là mức lương tối thiểu và tiền làm thêm giờ; đăng ký cho người lao động được hưởng các chế độ an sinh xã hội và bảo hiểm nếu có; được làm việc trong điều kiện an toàn và không bị bạo lực và quấy rối; làm việc theo giờ làm việc bình thường và có ngày nghỉ ngơi.

“Những công việc thiết yếu mà người lao động giúp việc gia đình đảm nhận phải được ghi nhận, thực hiện thông qua các khuôn khổ pháp lý đảm bảo quyền, an sinh xã hội của họ nhằm mang lại sự yên ổn lâu dài cho người lao động giúp việc gia đình,” bà Chihoko Asada-Miyakawa cho hay.

[Ngược đãi người giúp việc gia đình bị phạt đến 75 triệu đồng]

Những lao động giúp việc gia đình trên toàn khu vực châu Á và Thái Bình Dương, trong đó có Việt nam đã thành lập các nhóm riêng để vận động quyền cho mình. ILO đã hỗ trợ các nhóm lao động này chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và vận động hành lang để được bảo vệ theo pháp luật.

ILO cũng triển khai hoạt động nhằm đảm bảo người lao động giúp việc gia đình được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, trợ giúp xã hội và đào tạo. Dù họ ở quốc gia nào, tất cả các nhóm lao động giúp việc gia đình đều kêu gọi công nhận công việc của họ và quy định các điều kiện làm việc thỏa đáng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục