Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 có thể làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, giống như tác động của biến thể Delta.
Phát biểu tại một sự kiện ngày 3/12, bà Georgieva cho biết: "Một biến thể mới có khả năng lây lan rất nhanh có thể ảnh hưởng đến lòng tin, vì vậy, chúng ta có thể phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong tháng 10."
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) gần đây nhất, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay đạt 5,9% và năm 2022 đạt 4,9%. Tuy nhiên, theo bà Georgieva, việc Mỹ và các nền kinh tế lớn khác điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng sau khi biến thể Delta lây lan ảnh hưởng đến dự báo tăng trưởng toàn cầu.
Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh: "Ngay cả trước khi xuất hiện biến thể mới Omicron, chúng tôi đã lo ngại rằng quá trình phục hồi, dù vẫn tiếp tục, nhưng sẽ chậm lại."
Bà cũng lưu ý rằng các nhà hoạt định chính sách đang phải đối mặt với những vấn đề mới như lạm phát.
Những dự báo mới đây nhất của IMF đã bày tỏ lo ngại rằng những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu và phân phối vaccine không công bằng làm chậm đà phục hồi, khiến một số nước bị bỏ lại phía sau.
[Những thách thức đón chờ nền kinh tế thế giới ở phía trước]
Trong khi đó, sự gia tăng nhu cầu ở nhiều nền kinh tế phát triển vấp phải tình trạng thiếu các nguyên liệu đầu vào quan trọng như thiết bị bán dẫn, dẫn tới một đợt tăng giá.
Cách đây gần 2 tháng, bà Georgieva bày tỏ tin tưởng rằng lạm phát sẽ không tăng "phi mã," nhưng ngày 3/12, bà cho rằng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải tăng lãi suất vào năm 2022, thay vì đến năm 2023 như IMF dự báo trước đây.
Sau khi giảm lãi suất cho vay về mức 0% trong những ngày đầu bùng phát dịch COVID-19, Fed đã bắt đầu giảm bớt các biện pháp kích thích kinh tế và đã phát tín hiệu có thể sẽ thúc đẩy tiến trình này, theo đó có thể nâng lãi suất lên khỏi mức 0 vào giữa năm sau.
Bà Georgieva dự báo lộ trình tăng lãi suất của Fed có thể sẽ diễn ra nhanh hơn./.