IMF: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đe dọa các thị trường mới nổi

Theo IMF, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ kéo theo nhiều hệ quả xấu đối với các thị trường mới nổi, trong đó có việc các cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina có nguy cơ lan rộng.
IMF: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đe dọa các thị trường mới nổi ảnh 1Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde tại cuộc họp báo ở Buenos Aires, Argentina ngày 21/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận định nguy cơ về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng hiện hữu có thể "gây cú sốc" cho các thị trường mới nổi đang gặp khó khăn.

Trả lời phỏng vấn báo Financial Times ngày 11/9, bà Lagarde nhấn mạnh cuộc chiến thương mại nói trên sẽ kéo theo nhiều hệ quả xấu đối với các thị trường mới nổi, trong đó có việc các cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina có nguy cơ lan rộng.

Theo Tổng Giám đốc IMF, nếu cuộc chiến thuế quan giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới này vẫn tiếp diễn, điều đó có thể tác động đáng kể tới tốc độ tăng trưởng tại Trung Quốc, đồng thời gây nhiều tổn thương cho các nền kinh tế láng giềng châu Á sở hữu những chuỗi cung ứng hàng hóa có mối liên quan mật thiết với ngành công nghiệp của Trung Quốc.

Trên thực tế, một số nền kinh tế mới nổi đã rơi vào tình thế bấp bênh với việc giá trị tiền tệ của họ suy giảm do đồng USD mạnh lên và các nhà đầu tư tìm cách chuyển hướng sang Mỹ.

Vấn đề tiền tệ tại các thị trường mới nổi suy yếu cũng có thể tác động tới các nhà xuất khẩu trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), như Đức và Tây Ban Nha.

[Hệ lụy từ cuộc chiến tiền tệ giữa hai nền kinh tế Mỹ-Trung Quốc]

Tuy vậy, bà Lagarde cho rằng nguy cơ cốt lõi của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là việc làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư.

Đầu tháng này, bà Lagarde cũng đã cảnh báo các hiểm họa từ một cuộc chiến thương mại toàn cầu, đồng thời khẳng định trao đổi hàng hóa và dịch vụ luôn là động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các tuyên bố trên được đưa ra trong trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục đưa ra các chính sách thương mại đối đầu nhau, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Sau khi tuyên bố áp các mức thuế cao đối với các mặt hàng công nghiệp của Trung Quốc hồi tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây còn đe dọa sẽ áp thuế bổ sung 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cho đến nay, Bắc Kinh cũng đã đánh thuế đáp trả tương xứng và tuyên bố sẽ trả đũa nếu Mỹ tiếp tục áp các mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.