Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Cornwall, Anh, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 13/6 cho biết IMF đang xây dựng một quỹ tín thác mới để các nước thành viên có thể cho vay Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của mình tại IMF cho nhiều nước hơn, trong đó có các nước có thu nhập trung bình dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Trước khi diễn ra cuộc họp giữa các lãnh đạo tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng Bảy tới, bà Georgieva cho biết các nhà lãnh đạo của G7 đã “bật đèn xanh” để IMF tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng Quỹ Tín thác hỗ trợ sức đề kháng và sự bền vững.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng đã bày tỏ sự quan tâm đối với sáng kiến này, cùng với các nước có thu nhập trung bình có thể được hưởng lợi từ một quỹ như vậy.
Cơ chế nói trên có thể giúp các nước chống biến đổi khí hậu và cải thiện hệ thống chăm sóc y tế của mình.
[IMF: Tiến trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch đang phân hóa sâu sắc]
Bà Georgieva cho biết Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn tham gia sáng kiến này, và bà dự đoán nhiều nền kinh tế mới nổi khác với khả năng tài chính và kinh tế vững mạnh cũng sẽ “nối gót” Bắc Kinh.
Trước đó, IMF đã có một cơ chế khác với tên gọi Quỹ Tín thác tăng trưởng và giảm nghèo, cho phép các thành viên chia sẻ SDR của mình với các nước nghèo nhất.
Tuy nhiên, nhiều đảo quốc nhỏ và các nước có thu nhập trung bình khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và sự suy thoái kinh tế lại không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ thông qua cơ chế này của IMF.
Cũng trong ngày 13/6, IMF đã hoan nghênh việc G7 ủng hộ việc phân bổ 650 tỷ USD của quỹ dự phòng cho vay khẩn cấp, đồng thời thông báo sẽ thảo luận với các thành viên về việc phân bổ lại 100 tỷ USD cho các nước nghèo.
Trong thông báo, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết việc phân bổ lượng SDR trị giá 650 tỷ USD sẽ giúp thúc đẩy khả năng dự phòng toàn cầu và cho phép các nước tài trợ cho những biện pháp tài khóa cần thiết để thoát khỏi đại dịch.
Bà Georgieva cũng khẳng định sẽ phối hợp với các thành viên của IMF trong những tháng tới về cách họ có thể phân bổ sử dụng SDR hoặc dùng các khoản vay ngân sách để đạt được mục tiêu huy động 100 tỷ USD cho các nước dễ bị tổn thương nhất.
IMF dự đoán ban điều hành của tổ chức này sẽ chính thức thông qua việc phân bổ SDR trị giá 650 tỷ USD nói trên vào tháng Tám tới, từ đó mở đường cho các nước thành viên chia sẻ lượng SDR không dùng đến cho các nước đang cần./.