IMF đánh giá cao kế hoạch cải cách kinh tế của chính phủ Ukraine

Phó Giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) David Lipton nói rằng ông “ấn tượng” trước tầm nhìn đối với việc chuyển đổi đổi nền kinh tế của Ukraine.
IMF đánh giá cao kế hoạch cải cách kinh tế của chính phủ Ukraine ảnh 1Người dân Ukraine xếp hàng nhận viện trợ nhân đạo tại Donetsk, Ukraine ngày 11/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phó Giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) David Lipton ngày 13/12 nói rằng ông “ấn tượng” trước tầm nhìn đối với việc chuyển đổi đổi nền kinh tế và cam kết của Ukraine trong thực hiện chương trình cải cách.

Trong chuyến thăm Kiev hôm cuối tuần, ông David Lipton đã gặp Tổng thống Petro Poroshenko, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk và các thành viên trong ê-kíp kinh tế của chính quyền Ukraine.

Phó Giám đốc IMF đánh giá cao chương trình cải cách kinh tế của Kiev, và nói hy vọng cuối tuần tới IMF sẽ kết thúc các cuộc thảo luận về kỹ thuật với nước này, trong lúc một phái đoàn dự kiến sẽ tới Kiev vào đầu năm tới để bàn thảo các chính sách liên quan như là một phần của chương trình hỗ trợ tài chính của IMF.

Trong năm nay, IMF đã nhất trí cấp cho Kiev 17 tỷ USD trong vòng 2 năm (số tiền này thuộc gói cứu trợ tài chính trị giá 27 tỷ USD dành cho Ukraine). Tháng trước, IMF cảnh báo rằng Ukraine sẽ cần thêm 19 tỷ USD vào cuối năm tới.

Các nghị sĩ Quốc hội Ukraine mới bỏ phiếu thông qua chương trình hành động chung của chính phủ, trong đó bao gồm nhiều biện pháp cắt giảm để thực hiện chủ trương “thắt lưng buộc bụng” theo đề xuất của các chủ nợ quốc tế.

Ngoài việc tăng giá năng lượng và bãi bỏ trợ giá nhằm cân bằng ngân sách, IMF cũng muốn các công ty nhà nước làm ăn thua lỗ ở Ukraine được tư nhân hóa và các hành vi hối lộ tại các bộ ngành và chính quyền địa phương phải bị trừng phạt. Tuy nhiên, hiện mới chỉ một phần các đề xuất trên đang được thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.