Trong báo cáo cập nhật về Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 11/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Đức và Italy sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, báo cáo của IMF nêu rõ cả Đức và Italy đều là những nền kinh tế thuộc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc Nga cắt nguồn cung khí đốt liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.
Báo cáo cho rằng nếu dự báo trên là chính xác, hai quốc gia thành viên G7 sẽ trở thành những nền kinh tế phát triển đầu tiên rơi vào suy thoái do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
IMF dự báo kinh tế Đức sẽ giảm 0,3% trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng trưởng 0,8% trong thời gian này.
[Đức không có kế hoạch hỗ trợ các khoản vay chung của EU]
Trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy cũng được dự báo sẽ giảm 0,2% trong năm 2023, giảm mạnh so với dự báo tăng trưởng 0,8%.
Mặc dù Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) được dự báo sẽ tránh được suy thoái, nhưng GDP của 19 nước thành viên Eurozone dự báo chỉ tăng 0,5% trong năm 2023, yếu kém hơn nhiều so với dự báo trước đây.
IMF nhận định: “Tăng trưởng yếu kém trên toàn châu Âu trong năm tới phản ánh tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, đặc biệt là sự điều chỉnh giảm mạnh đối với các nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho lục địa này.”
Báo cáo cũng đề cập đến các điều kiện tài chính ngặt nghèo hơn đối với Eurozone, với chi phí vay đã tăng 50 điểm cơ bản trong tháng 7/2022 và 75 điểm trong tháng 9/2022.
IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ từ 2,3% xuống 1,6% trong năm nay và chỉ tăng 1% vào năm 2023.
IMF cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới cho năm 2022 vẫn không thay đổi so với dự báo tháng 7/2022 ở mức 3,2%, song đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống còn 2,7%.
IMF nhấn mạnh suy thoái kinh tế sẽ diễn ra trên diện rộng, trong đó những quốc gia chiếm hơn 30% quy mô kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ trải qua suy giảm kinh tế trong năm nay hoặc năm 2023.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh các nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại ở cả 3 khu vực kinh tế lớn trên thế giới. Trong khi giá năng lượng tăng là vấn đề nan giải nhất đối với khu vực Eurozone, thì đại dịch COIVID-19 bùng phát ở Trung Quốc đang trở thành một nguyên nhân dai dẳng gây ra các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 4,4% trong năm tới, thấp hơn theo chuẩn của Trung Quốc và giảm 0,2% so với triển vọng đưa ra hồi tháng 7/2022 vừa qua.
Cố vấn kinh tế của IMF Pierre-Olivier Gourinchas khẳng định: “Những cú sốc năm nay sẽ khơi lại vết thương kinh tế vốn chỉ được hàn gắn một phần sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19”./.