IMF dự báo triển vọng ảm đạm đối với nền kinh tế Argentina

Ngày 16/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Argentina sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2016 và quốc gia Nam Mỹ này vẫn là điểm đến kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tư nhân.
IMF dự báo triển vọng ảm đạm đối với nền kinh tế Argentina ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: latinpost.com)

Ngày 16/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Argentina sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2016 và quốc gia Nam Mỹ này vẫn là điểm đến kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tư nhân.

Phát biểu tại buổi họp báo ở Washington (Mỹ), Giám đốc IMF khu vực Tây bán cầu, Alejandro Werner nhận định rằng trong năm 2015, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh, sau Brazil và Mexico, sẽ chỉ lần lượt đạt mức tăng trưởng 0,1% và 0% trong năm 2015 và 2016.

Theo ông Werner, ngành công nghiệp của Argentina chịu tác động nặng nề nhất của tình trạng kinh tế sa sút, nhiều nhà máy, đặc biệt là các nhà máy lắp ráp, đã phải ngừng hoạt động.

Chuyên gia kinh tế của IMF cũng cảnh báo nền kinh tế Argentina có sự mất cân bằng và kêu gọi nước Nam Mỹ này áp dụng chính sách điều hành kinh tế vĩ mô chặt chẽ hơn kết hợp với giảm giá đồng nội tệ để có thể ổn định tình hình kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.

Cũng theo dự báo của IMF, kinh tế khu vực Mỹ Latinh sẽ lần lượt đạt các mức tăng trưởng 0,5% và 1,9% trong năm 2015 và 2016.

Đáng chú ý là nền kinh tế lớn nhất khu vực này là Brazil cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi Hiệp hội Ngoại thương Brazil (AEB) vừa dự báo rằng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2015 sẽ đạt 199,331 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2014, trong khi đó nhập khẩu sẽ ở mức 183,267 tỷ USD, giảm 2%.

Với mức dự báo trên, Brazil sẽ đạt thặng dư thương mại ở mức hơn 8 tỷ USD năm 2015.

Tuy nhiên, Chủ tịch AEB José Augusto de Castro cho rằng đây là tình trạng “thặng dư tiêu cực” bởi tình trạng này không phải là kết quả của việc gia tăng xuất khẩu mà là do giảm nhập khẩu. Thị phần của Brazil trong trao đổi thương mại thế giới giảm từ 1,41% trong năm 2011 xuống dưới 1% của năm nay.

Ông cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng nguyên liệu thô chiếm đa phần trong kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế số một Mỹ Latinh và các sản phẩm với giá trị gia tăng như sản phẩm công nghiệp chiếm không nhiều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.