IMF giảm mạnh dự báo về tốc độ tăng GDP của Mỹ

IMF hạ mức dự báo tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm nay xuống 2,0% so với mức dự báo 2,8% đưa ra hồi tháng Tư vừa qua.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 16/6 hạ mức dự báo về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất trong năm 2014 và các năm tới, trong đó xác định phải tới cuối năm 2017 thì đà tăng trưởng mới có thể đạt mức tốt nhất.

Báo cáo đánh giá hàng năm về kết quả theo dõi nền kinh tế Mỹ, công bố ngày 16/6 cho biết IMF hạ mức dự báo tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm nay xuống 2,0% so với mức dự báo 2,8% đưa ra hồi tháng Tư vừa qua.

Nguyên nhân chủ yếu khiến IMF giảm mạnh mức dự báo tăng GDP của Mỹ là do kết quả hoạt động của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 1/2014 yếu kém một cách bất ngờ. Do hậu quả nặng nề của mùa Đông khắc nghiệt chưa từng có trong nhiều thập kỷ, tốc độ tăng GDP của Mỹ trong quý đầu năm 2014 là -1% (âm).

Ngoài ra, IMF cho rằng GDP của Mỹ tăng 2% trong năm nay là dưới mức trung bình, còn vì nguyên nhân dân số Mỹ ngày càng già hơn trong khi năng suất lao động lại giảm.

Báo cáo của IMF giữ nguyên mức dự báo tăng GDP của Mỹ năm tới là 3,0% do thị trường tạo việc làm đã và đang lấy lại được đà sau những tác động của khí hậu mùa Đông vừa qua. Báo cáo nhận định phải tới cuối năm 2017, nền kinh tế Mỹ mới bước vào thời kỳ phát triển đầy đủ và mạnh mẽ.

Theo IMF, viễn cảnh kinh tế năm nay và các năm tới trên đây sẽ cho phép Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách lãi suất của các khoản vay qua đêm giữa các ngân hàng thương mại ở mức gần như bằng không lâu hơn mức thị trường tài chính chờ đợi. Tỷ lệ lãi suất từ 0% đến 0,25% được Fed áp dụng từ tháng 12/2009 tới nay nhằm kích thích tín dụng và đầu tư để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.

Để giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và giảm tỷ lệ người nghèo ở Mỹ, báo cáo của IMF khuyến nghị chính quyền Barack Obama tìm cách tăng mức lương liên bang tối thiểu hiện thấp hơn 38% mức lương trung bình và thấp hơn hầu hết các tiêu chuẩn quốc tế.

IMF cũng hối thúc Mỹ tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục và cải cách bộ luật thuế, trong đó có việc tăng thuế xăng dầu, phục hồi chương trình tín dụng thuế cho nghiên cứu và phát triển, áp dụng thuế đối với khí thải độc hại và hướng tới áp đặt thuế giá trị gia tăng liên bang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.