IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Philippines xuống 0,6% trong năm

IMF cũng đưa ra mức dự báo tăng trưởng chung cho các nước ASEAN-5 (gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines) vào khoảng 0,6% trong năm nay và 7,8% năm 2021.
Kiểm tra thân nhiệt của người dân nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 7/4 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Kiểm tra thân nhiệt của người dân nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 7/4 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố ngày 14/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Philippines từ mức 6,3% trước đó xuống còn 0,6%, do tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.

Tuy nhiên, IMF nhận định kinh tế Philippines sẽ có sự phục hồi vào năm 2021 với tăng trưởng khoảng 7,6%.

IMF cũng đưa ra mức dự báo tăng trưởng chung cho các nước ASEAN-5 (gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines) vào khoảng 0,6% trong năm nay và 7,8% năm 2021.

Đại diện của IMF phụ trách Philippines Yongzheng Yang cho rằng, việc IMF hạ thấp đáng kể mức dự báo tăng trưởng của kinh tế Philippines chủ yếu dựa trên những đánh giá về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, do hậu quả của dịch COVID-19 gây ra cũng như nhu cầu thấp hơn từ các đối tác thương mại chính của Philippines.

Bên cạnh đó, ông Yang cũng cho rằng tình trạng tài chính toàn cầu thắt chặt, niềm tin công chúng suy giảm và lượng kiều hối suy giảm cũng góp phần tác động tới tình hình đầu tư và tiêu dùng cá nhân tại Philippines.

Trong khi đó, theo ông Yang, những yếu tố nói trên đang được giải quyết chủ yếu bằng các biện pháp hỗ trợ chính sách.

[Dịch COVID-19 ở Đông Nam Á: Philippines có số ca tử vong cao nhất ngày]

Chính phủ Philippines đã quyết định xây dựng và thực hiện các biện pháp tài khóa và tiền tệ trị giá 1.100 tỷ peso (khoảng 21,7 tỷ USD) để hỗ trợ các lĩnh vực và ngành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Song song với đó, Philippines cũng đã áp dụng các cấp độ cách ly phong tỏa khác nhau trên toàn quốc để đối phó với dịch bệnh.

Những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Philippines bao gồm mua lại thiết bị y tế cho nhân viên y tế, hỗ trợ tài chính cho các hộ nghèo và người lao động bị ảnh hưởng; hạ lãi suất và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, cùng với các biện pháp có chủ đích của Ngân hàng trung ương Philippines để khuyến khích các hoạt động kinh doanh.

Ông Yang cũng cho rằng việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 là vô cùng quan trọng, và những chính sách hiện tại nên tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo ông Yang, IMF hoan nghênh các biện pháp nói trên của Chính phủ Philippines để giải quyết tác động của đại dịch.

Ông cũng lưu ý rằng với chính sách quản lý kinh tế vĩ mô thận trọng, Philippines đã có được những “vùng đệm chính sách” đáng kể trong những năm gần đây, đồng thời chính phủ và ngân hàng trung ương cũng tận dụng tốt không gian chính sách này.

Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Philippines cũng còn nhiều không gian để kích thích chính sách bổ sung do mức nợ công tương đối thấp và lạm phát kỳ vọng được kìm giữ tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.