IMF hoãn công bố dự báo về triển vọng kinh tế thế giới

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhiều khả năng sẽ hạ thấp hơn nữa dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào tháng Một do những lo ngại liên quan đến sự xuất hiện của biến thể Omicron.
IMF hoãn công bố dự báo về triển vọng kinh tế thế giới ảnh 1Trụ sở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/1, ông Gerry Rice, người phát ngôn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết thể chế tài chính này sẽ công bố dự báo Triển vọng kinh tế thế giới vào ngày 25/1, muộn hơn 1 tuần so với kế hoạch do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để IMF có thể tổng hợp thông tin mới nhất về những tác động của dịch COVID-19 đối với chỉ số kinh tế.

Trước đó trong tháng 12/2021, Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva, cho biết nhiều khả năng cơ quan này sẽ hạ thấp hơn nữa dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào tháng Một do những lo ngại liên quan đến sự xuất hiện của biến thể Omicron.

[IMF gia hạn hỗ trợ tài chính khẩn cấp do đại dịch COVID-19]

Hồi tháng 10/2021, IMF đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 5,9% vào năm 2021 và 4,9% trong năm 2022.

Cơ quan này cũng đã đề cập đến nguy cơ gia tăng yếu tố khó đoán định do sự xuất hiện của các biến thể mới.

Trong 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, gần 5,8 triệu người trên thế giới đã tử vong.

Các nhà kinh tế dự báo IMF sẽ cắt giảm dự báo mức tăng trưởng kinh tế Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới do sự lây lan của biến thể Omicron cũng như việc Quốc hội Mỹ không thể thông qua gói chi tiêu 1.200 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden dự chi cho các dự án xã hội và chống biến đổi khí hậu.

Trong dự báo công bố hồi tháng 10/2021, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ còn 6% trong năm 2021 do tình trạng gián đoạn nguồn cung và thiếu lao động.

Theo IMF, kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng 5,2% vào năm 2022.

Hiện chưa rõ IMF sẽ đưa ra mức dự báo thế nào đối với kinh tế Mỹ khi tình hình dịch bệnh tại nước này tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày vẫn ở mức cao nhất thế giới, đặc biệt ngày 4/1 lần đầu tiên Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới hơn 1 triệu ca trong 24 giờ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.