Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 31/5 đã hối thúc các nước hợp tác dựa trên tinh thần xây dựng nhằm giải quyết bất đồng thương mại sau khi Mỹ quyết định áp mức thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép từ các đồng minh Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico sau 2 tháng trì hoãn để đàm phán.
Trong tuyên bố, người phát ngôn IMF Gerry Rice cho rằng quyết định của Mỹ và sự đáng tiếc khi căng thẳng thương mại gia tăng vào thời điểm mà sự phụ hồi kinh tế toàn cầu chủ yếu dựa vào thương mại.
Ông cho rằng tất cả đều là bên thua cuộc trong cuộc chiến thương mại trên diện rộng, do vậy các nước cần hợp tác, giảm thiểu rào cản và bất đồng thương mại mà không cần những biện pháp đặc biệt nào.
[EU tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng với thuế thép, nhôm của Mỹ]
Trong khi đó, trên tài khoản Twitter, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh bảo những người dân nghèo nhất sẽ là những đối tượng phải chịu đựng nhiều nhất một khi giao thương giữa các nước bị ngưng trệ và niềm tin giữa các đối tác kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bà Lagarde nhấn mạnh hơn 70 năm qua, các quốc gia đã cùng hợp tác kiến tạo hệ thống thương mại đa phương, giúp hàng triệu người dân toàn cầu thoát khỏi nghèo đói, thúc đẩy cải thiện thu nhập và chất lượng sống của người dân.
Người đứng đầu thể chế tài chính này nhấn mạnh đã đến lúc các nước cần thúc đẩy những cải cách thương mại trong quan hệ đa phương, nơi mà các luật lệ được tôn trọng, các nước làm việc trên quan hệ đối tác và sự công bằng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại thương và Phát triển Phần Lan Anne-Mari Virolainen cùng ngày mô tả việc Mỹ áp thuế nhập khẩu cao đối với sản phẩm thép và nhôm của các đông minh là hành động "rất đáng tiếc."
Bà Virolainen cho rằng lý do mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra để thực thị việc hạn chế là "giả tạo" bởi sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu không đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Nhà ngoại giao Phần Lan chỉ rõ biện pháp của Washinhton sẽ không giải quyết tình trạng dư thừa thép trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh các nước sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp bất chấp quyết định của Mỹ.
Cũng thể hiện sự quan ngại trên, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek cho rằng chủ nghĩ bảo hộ mậu dịch do Mỹ dẫn đầu là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Trong tuyên bố đăng tải trên Twitter, ông Simek nhấn mạnh không có người thắng cuộc trước trò chơi chủ nghĩa bảo hộ và hệ thống thương mại dựa theo luật lệ như hiện này sẽ chỉ dẫn tới sự hỗn loạn.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã có cuộc đối thoại với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin với nội dung thảo luận được cho là xoay quanh các vấn đề thương mại.
Bộ trưởng Aso được cho là sẽ thảo luận nhằm đạt thỏa thuận về việc Tokyo được miễn trừ thuế nhôm và thép khi xuất khẩu sang Mỹ.
Cuộc gặp trên diễn ra trước thềm Hội nghị bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) kéo dài 3 ngày tại khu nghỉ dưỡng Whistler, Canada, bắt đầu vào chiều 31/5./.