IMF hy vọng các nước Mỹ Latinh duy trì chính sách kích thích kinh tế

Giám đốc phụ trách khu vực Tây bán cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Alejandro Werner nhấn mạnh các nước Mỹ Latinh cần phải duy trì các biện pháp kích thích kinh tế và tài khóa trong năm 2021.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Buenos Aires, Argentina. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 25/2, Giám đốc phụ trách khu vực Tây bán cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Alejandro Werner nhấn mạnh các nước Mỹ Latinh cần phải duy trì các biện pháp kích thích kinh tế và tài khóa trong năm 2021 để có thể thúc đẩy đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh Tổng sản phẩm khu vực trong năm vừa qua đã suy giảm 7,4%.

Trong một hội nghị với sự tham gia của Tổng thư ký Tổ chức liên Mỹ Rebeca Grynspan và Bộ trưởng Thương mại Tây Ban Nha Xiana Méndez, ông Werner cho rằng các quốc gia Mỹ Latinh cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ người dân, đồng thời nhấn mạnh việc cắt giảm lãi suất nói chung có thể sẽ là biện pháp hữu ích.

Quan chức cấp cao của IMF cảnh báo nền kinh tế của khu vực Mỹ Latinh chỉ có thể trở lại mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2022 và Tổng sản phẩm bình quân đầu người chỉ được phục hồi vào năm 2025.  Ông Werner cũng dẫn số liệu của IMF, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Mỹ Latinh sẽ đạt mức 4,1% trong năm 2021 và 3% vào năm 2022.

[Tổng Giám đốc IMF: Nhiều nền kinh tế sẽ gặp khó khăn do dịch COVID-19]

Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Tây Ban Nha Xiana Méndez cho rằng yếu tố quan trọng nhất đối với quá trình phục hồi kinh tế tại Mỹ Latinh là việc triển khai hiệu quả và nhanh chóng các loại vắcxin ngừa COVID-19, vì sự chậm trễ trong việc cung cấp vắcxin cho người dân sẽ khiến cho quá trình nối lại hoạt động kinh doanh sản xuất bị chậm lại.

Ông Méndez cho biết Tây Ban Nha sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động thương mại với khu vực Mỹ Latinh. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đã đạt dơn 35 tỷ USD.

Người đứng đầu Bộ thương mại Tây Ban Nha cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì cam kết chung về vấn đề mở cửa thương mại, đồng thời khuyến cáo tránh những căng thẳng liên quan đến bảo hộ thương mại trong một số lĩnh vực./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục