Ngày 18/10, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva kêu gọi có những bước đi quan trọng nhằm giải quyết gánh nặng nợ ngày càng tăng của một số quốc gia, theo đó hối thúc chủ nợ và các bên vay nợ bắt đầu quá trình tái cơ cấu sớm hơn.
Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Nhóm G30 (gồm các cựu chính trị gia và các học giả) chủ trì, bà Georgieva nêu rõ việc gia hạn thêm 6 tháng Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ giúp ích cho các nước thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song bà cho rằng các bên vẫn cần có thêm hành động khẩn cấp và cương quyết hơn.
Theo Tổng Giám IMF, hành động chậm sẽ gây thiệt hại đối với cả chủ nợ lẫn bên vay nợ. Bà cảnh báo mức nợ toàn cầu sẽ lên tới 100% Tổng sản phẩm (GDP) vào năm 2021 và tác động tiêu cực của vỡ nợ có thể nhanh chóng lan rộng.
Bà Georgieva hối thúc các chủ nợ áp dụng các điều khoản hợp đồng để giảm thiểu tình trạng gián đoạn kinh tế, tăng cường minh bạch, ủng hộ cơ chế chung mà G20 đã nhất trí trên nguyên tắc vào tuần trước.
[Nhóm G20 có thể chỉ gia hạn chương trình giãn nợ thêm 6 tháng]
Những phát biểu của bà Georgieva được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về nợ tăng mạnh, đặc biệt tại những nước có thu nhập thấp và trung bình chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, du lịch giảm và giá dầu thấp.
Nhiều nước nghèo hơn đã do dự trong việc đề nghị hoãn thanh toán trái phiếu chính phủ, lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng vay nợ của họ trong tương lai.
Việc hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và các nước đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan từ tháng Ba vừa qua đã tàn phá các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Giữa tháng Tư vừa qua, G20 và Câu lạc bộ Paris đã nhất trí về sáng kiến DSSI giãn nợ cho các nước nghèo nhất trong năm 2020.
Sáng kiến đã giúp 44 quốc gia hoãn thanh toán khoản nợ 5 tỷ USD và dùng số tiền này để giảm nhẹ tác động của cuộc khủng hoảng do COVID-19, song hiệu quả của biện pháp này còn hạn chế do không có sự tham gia của các chủ nợ tư nhân và tất cả các cơ quan nhà nước của Trung Quốc - hiện là chủ nợ lớn nhất trên thế giới.
Ngày 14/10 vừa qua, Bộ trưởng tài chính của các nước G20 đã nhất trí gia hạn thêm 6 tháng đối với DSSI cho các nước nghèo nhất trong năm nay và sẽ xem xét lại vấn đề này vào tháng 4/2021, theo đó cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển củng cố năng lực về thuế nhằm xây dựng hệ thống thu thuế bền vững.
Các bộ trưởng cũng nhất trí sẽ tổ chức cuộc họp bất thường trước hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới để thảo luận các vấn đề nổi cộm./.