IMF khiển trách Venezuela không cung cấp số liệu kinh tế quan trọng

Ban lãnh đạo IMF đã kết luận rằng Venezuela không áp dụng các biện pháp mà quỹ đề ra trong năm 2017, hoặc không cung cấp các thông tin quan trọng.
IMF khiển trách Venezuela không cung cấp số liệu kinh tế quan trọng ảnh 1Trụ sở IMF ở Washington D.C.. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 2/5, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khiển trách Venezuela không cung cấp dữ liệu kinh tế quan trọng - động thái đầu tiên trong tiến trình có thể dẫn tới việc Venezuela bị hủy tư cách thành viên quỹ.

Ban lãnh đạo IMF đã kết luận rằng Venezuela không áp dụng các biện pháp mà quỹ đề ra trong năm 2017, hoặc không cung cấp các thông tin quan trọng. Vì vậy, quỹ đã ra tuyên bố khiển trách Venezuela và kêu gọi nước này có các biện pháp khắc phục kịp thời.

Trong vòng sáu tháng, các quan chức IMF và Caracas sẽ gặp nhau để đánh giá các tiến bộ trong việc Venezuela thực thi các biện pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, nước này không vay tiền của IMF, nên yêu cầu trên sẽ không có nhiều trọng lượng. 

IMF đã cảnh báo Venezuela về việc nước này không cung cấp các dữ liệu kinh tế, mà toàn bộ 189 nước thành viên được yêu cầu làm, để quỹ có thể giám sát các nền kinh tế này. Chính vì vậy, từ năm 2004, IMF không thể tiến hành đánh giá thường niên nền kinh tế Venezuela.

[Venezuela thông báo tổ chức hội nghị về tái cơ cấu khoản nợ 150 tỷ USD]

Lần cuối cùng Venezuela cung cấp các số liệu kinh tế cho IMF là vào năm 2001. Các quan chức IMF ước tính nền kinh tế Venezuela có thể đã suy giảm 45% trong năm 2017.

Theo Giám đốc IMF khu vực Tây bán cầu, ông Alejandro Werner, Venezuela cũng đang phải đối mặt với tình trạng siêu lạm phát, giá cả tăng 13.000%. Sản lượng dầu giảm một nửa trong 18 tháng qua.

Trong một tuyên bố, IMF cho biết: "Quỹ sẵn sàng phối hợp mang tính xây dựng với Venezuela để giải quyết khủng hoảng kinh tế nếu nước này sẵn sàng tái cam kết với quỹ, bao gồm việc cung cấp các số liệu kinh tế định kỳ và đúng thời hạn."

Các biện pháp mạnh tay của IMF đối với các nước không tuân thủ các quy định chung bao gồm đình chỉ quyền bỏ phiếu, ngừng hỗ trợ tài chính, và trong trường hợp nặng nhất là hủy tư cách thành viên. Từ khi thành lập, IMF mới một lần áp dụng biện pháp nặng nhất, đó là trục xuất Tiệp Khắc năm 1954./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.