Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia sẽ tăng trưởng âm 1,7% năm 2020, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm nay sẽ sụt giảm 3%, mức tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930, chủ yếu do các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nếu như dự báo trên trở thành hiện thực, kinh tế Campuchia sẽ lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ khi IMF bắt đầu đánh giá về nền kinh tế này vào năm 1988.
Trong kịch bản lạc quan hơn, nếu vắcxin phòng COVID-19 được sản xuất và sử dụng đại trà trong nửa cuối năm nay, IMF cho rằng kinh tế thế giới và kinh tế Campuchia sẽ tăng lần lượt 5,8% và 6,1%.
Báo cáo với tiêu đề “Đại Cách ly” của IMF công bố ngày 16/4 đã chỉ ra rằng cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 là tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, khi đó Campuchia vừa kịp lách qua khe cửa hẹp để có thể thoát khỏi suy giảm và nền kinh tế này chỉ tăng 0,1%.
[WB cảnh báo các trụ cột kinh tế của Campuchia không ổn định]
Cuộc khủng hoảng y tế lần này đang tác động nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế, khiến kinh tế toàn cầu có thể suy giảm mạnh.
Cùng với các chuyên gia kinh tế, IMF cũng kêu gọi các chính phủ dành ngân sách cho giai đoạn hồi phục hậu cách ly xã hội.
Kể từ năm 1998, kinh tế Campuchia tăng trưởng khá cao với mức tăng trung bình 8%/năm.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ 53% năm 2004 xuống còn 10% năm 2019. Các lĩnh vực khác như giáo dục và y tế cũng được cải thiện đáng kể.
Để làm dịu cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19, Chính phủ Campuchia đã thông báo dành khoản ngân sách 2 tỷ USD để nâng đỡ các trụ cột của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, ngân hàng và trợ giúp những lao động mất việc làm trong ngành may mặc và du lịch./.