Ngày 18/7, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo nền kinh tế Mỹ "đặc biệt mong manh" trước những tác động của cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, vốn được ước tính có thể gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD cho Tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu.
Nhận định trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina vào cuối tuần này, bà Lagarde cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng toàn cầu có thể đã bắt đầu chậm lại, đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách chuẩn bị phương án ứng phó.
Trước đó, IMF từng dự tính nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2019 nhưng trong một chia sẻ trên mạng, bà Lagarde lưu ý đây có thể là mức ước tính khả quan nhất.
Tổng Giám đốc IMF cho rằng trên thực tế tăng trưởng đã bắt đầu chậm lại tại khu vực châu Âu, Nhật Bản và Anh trong khi những tác động của các biện pháp kích thích tài khóa mà Mỹ mới đưa ra thời gian qua sẽ sớm suy giảm.
IMF cũng đã chuẩn bị một báo cáo cho cuộc họp của các bộ trưởng G20, trong đó có các mô hình dự báo kịch bản nền kinh tế thế giới trong viễn cảnh xấu nhất khi tất cả các biện pháp thuế quan và các biện pháp đối kháng được triển khai, niềm tin doanh nghiệp sụt giảm thì khoảng 430 tỷ USD GDP toàn cầu sẽ "bốc hơi" tính tới năm 2020.
[Chính phủ Trung Quốc tiếp tục chỉ trích quyết định áp thuế của Mỹ]
Đặc biệt, trong khi tất cả các nền kinh tế đều suy yếu vì chiến tranh thương mạ, nền kinh tế Mỹ được dự báo là thiệt hại nặng nề nhất khi rất nhiều hoạt động thương mại toàn cầu của quốc gia này phải gánh chịu những biện pháp đáp trả.
Khi đó, vì Mỹ là quốc gia phát động chiến tranh thương mại nên các biện pháp đáp trả và những tác động tiêu cực đều sẽ dồn về nền kinh tế Mỹ trong khi các khu vực khác vẫn tiếp tục giao thương với nhau.
Trước đó, hôm 16/7 vừa qua, IMF gọi những biện pháp hạn chế thương mại là "mối đe dọa lớn nhất trong ngắn hạn" đối với nền kinh tế toàn cầu.
Thế giới đang đứng trước một cuộc chiến tranh thương mại trên diện rộng mà khởi đầu là biện pháp áp thuế nhôm, thép nhập khẩu lần lượt là 10% và 25% mà Mỹ đưa ra nhằm điều chỉnh cán cân thương mại giữa quốc gia này và các đối tác trên thế giới, tạo ra một chuỗi liên hoàn các biện pháp đối kháng.
Đáng chú ý, Mỹ liên tiếp quyết định áp thuế nhập khẩu và đe dọa áp thuế với nhiều mặt hàng có tổng trị giá hàng chục tỷ USD nhập từ Trung Quốc, kèm theo đó là những biện pháp đáp trả của Bắc Kinh.
Trong khi Washington đã áp mức thuế nhập khẩu lên tới 25% với các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, với tổng trị giá khoảng 34 tỷ USD và chuẩn bị áp mức thuế này với một gói hàng hóa khác từ Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD, Nhà Trắng lại tiếp tục cho phép giới chức thương mại xem xét lên danh sách gói hàng hóa khác có tổng trị giá 200 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu trên sớm nhất là vào tháng Chín tới.
Những đòn đánh thuế "ăn miếng trả miếng" giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới càng khiến cho nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại toàn cầu trở nên rõ rệt hơn.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow đã đổ lỗi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trì hoãn một thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai quốc gia này.
Phát biểu tại Hội nghị Delivering Alpha do đài CNBC và tạp chí Istitutional Investor tài trợ, lãnh đạo Hội đồng Kinh tế Nhà Trắng tin rằng các quan chức Trung Quốc như Phó Thủ tướng Lưu Hạc mong muốn dừng các biện pháp "trả đũa" lẫn nhau giữa Washington và Bắc Kinh nhưng ông Tập Cận Bình đã không thông qua những thay đổi trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ và các chính sách thương mại khác.
Ông Kudlow khẳng định theo những gì mà hội đồng này nắm được thì hiện tại Chủ tịch Trung Quốc không muốn ký kết thỏa thuận.
Vị cố vấn này cũng tuyên bố chỉ cần Bắc Kinh có cách tiếp cận thỏa đáng hơn "thì các biện pháp áp thuế sẽ có thể chấm dứt ngay trong chiều nay."
Cách tiếp cận mà ông Kudlow nhắc tới bao gồm chấp nhận cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, chấm dứt tình trạng "đánh cắp" sở hữu trí tuệ và cho phép các công ty 100% sở hữu nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.
Cũng trong hội nghị trên, lãnh đạo Hội đồng Kinh tế Nhà Trắng bày tỏ hy vọng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker sẽ mang tới Washington một đề nghị thương mại quan trọng khi ông tới thăm Mỹ vào tuần tới.
Tổng thống Trump từng yêu cầu EU cắt giảm mức thuế 10% với các loại xe hơi nhập khẩu trong bối cảnh chính quyền Washington tuyên bố mở cuộc điều tra tác động của hoạt động nhập khẩu ôtô với an ninh quốc gia.
Động thái này được cho là mở đường cho biện pháp áp thuế nhập khẩu ôtô có thể lên tới 25% vào thị trường Mỹ vốn sẽ tác động mạnh tới các nhà sản xuất ôtô châu Âu và Nhật Bản./.