IMF: Thất nghiệp, kinh tế suy giảm làm tăng bất ổn tại các nước Arab

IMF đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực, bao gồm cả Iran và các nước Arab, xuống còn 0,1% trong năm nay, từ mức dự báo tăng 1,1% được đưa ra vào năm ngoái.
IMF: Thất nghiệp, kinh tế suy giảm làm tăng bất ổn tại các nước Arab ảnh 1Người dân Iran mua sắm hàng hóa tại thủ đô Tehran ngày 3/11/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 28/10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng tình trạng thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế chậm lại đang làm gia tăng căng thẳng xã hội và những cuộc biểu tình rộng rãi tại một số nước Arab.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế khu vực, IMF đáng giá rằng bất ổn đang góp phần làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực Trung Đông và Bắc Phi, bên cạnh những căng thẳng thương mại toàn cầu, sự biến động của giá dầu và tiến trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, không được suôn sẻ.

Hồi đầu tháng 10/2019, IMF đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực, bao gồm cả Iran và các nước Arab, xuống còn 0,1% trong năm nay, từ mức dự báo tăng 1,1% được đưa ra vào năm ngoái.

Theo IMF, kinh tế Iran đang rơi vào suy thoái và đối mặt với lạm phát tăng cao trong khi hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Dự báo, nền kinh tế nước này sẽ giảm 9,5% trong năm 2019, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng âm 4,8% trong năm 2018.

Iran dự kiến chỉ xuất khẩu được khoảng 500.000 thùng dầu thô/ngày do các lệnh trừng phạt, giảm mạnh so với con số hơn 2 triệu thùng/ngày trước khi bị trừng phạt.

Kinh tế của các quốc gia Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) giàu dầu mỏ dự kiến chỉ tăng 0,7% trong năm nay, so với mức tăng 2% của năm ngoái, do sản lượng và giá dầu giảm sút.

IMF cũng cho biết nợ công tại nhiều nước Arab ở mức rất cao, trung bình vượt 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thậm chí lên tới hơn 150% tại Leban và Sudan.

Theo IMF, những rủi ro được nêu ra có xu hướng gia tăng và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố toàn cầu.

Giám đốc IMF phụ trách Trung Đông và Trung Á Jihad Azour nói rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực hiện đang ở dưới mức cần thiết để giải quyết nạn thất nghiệp.

Theo ông Azour, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ của khu vực vượt 25 - 30%, do đó đòi hỏi mức tăng trưởng kinh tế cao hơn 1-2% để bù đắp.

Theo báo cáo của IMF, số người thất nghiệp tăng cao đang khiến những căng thẳng xã hội trở nên trầm trọng hơn tại các nước Arab. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình của khu vực là 11%, so với 7% của các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.