IMF và WB: Thỏa thuận Brexit thúc đẩy triển vọng tăng trưởng toàn cầu

Trước khi hai bên đạt được thỏa thuận Brexit, IMF trong tuần này đã dự đoán kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm 2019 và 1,4% năm 2020, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 1,4% trong năm ngoái.
IMF và WB: Thỏa thuận Brexit thúc đẩy triển vọng tăng trưởng toàn cầu ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại cuộc gặp ở Luxembourg ngày 16/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass ngày 17/10 nhận định sự rõ ràng xung quanh vấn đề nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, sẽ thúc đẩy triển vọng tăng trưởng toàn cầu, hỗ trợ cả các nước phát triển và đang phát triển.

Phát biểu với báo giới trong kỳ họp mùa thu của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau khi EU và Anh đạt được một thỏa thuận Brexit mới, ông Malpass cho rằng nếu có sự rõ ràng trong triển vọng Brexit thì điều đó sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Malpass, sự bất ổn liên quan vấn đề Brexit đã gây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và triển vọng kinh tế của cả Anh và EU. Vì vậy, giải quyết được vấn đề đó sẽ đem lại lợi ích cho các nền kinh tế này và cả các nước đang phát triển.

Trong khi đó, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva gọi thỏa thuận Brexit mới là “tin vui,” đồng thời bày tỏ hy vọng thỏa thuận này sẽ được hoàn tất.

[EC cảnh báo hậu quả về việc nghị sỹ Anh không thông qua thỏa thuận]

Bà Georgieva cho biết IMF ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm từ 3,5-5% nếu London rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào, trong khi kịch bản này sẽ khiến GDP của EU giảm 0,5%.

Kể cả khi hai bên có một thỏa thuận, thì GDP của Anh cũng được dự đoán sẽ giảm 2%.IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh trong năm nay từ mức 1,5% được đưa ra ba tháng trước đó, xuống còn 1,2%. Nếu dự đoán này là đúng, đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất của “xứ sở sương mù” kể từ năm 2009.

Trước khi hai bên đạt được thỏa thuận Brexit, IMF trong tuần này đã dự đoán kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm 2019 và 1,4% năm 2020, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 1,4% trong năm ngoái.

Sau nhiều ngày đàm phán, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhất trí các điều khoản trong thỏa thuận Brexit với EU, mở đường cho một cuộc bỏ phiếu lịch sử tại Hạ viện Anh để đưa London rời khỏi “mái nhà chung.”

Tuy nhiên, theo NBC News, thỏa thuận này vẫn cần được các nhà lãnh đạo châu Âu và các nghị sĩ trong Quốc hội Anh phê chuẩn.

Thỏa thuận có thể phá vỡ bế tắc vốn làm tê liệt chính trường Anh kể từ khi nước này tiến hành cuộc bỏ phiếu để rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Dư luận giờ đây sẽ hướng sự chú ý đến câu hỏi liệu Thủ tướng Johnson có nhận được đủ sự ủng hộ để đưa thỏa thuận nói trên vượt qua "ải" Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 19/10. Đảng Liên minh Dân chủ trước đó đã phản đối thỏa thuận này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.