Ngày 27/9, Bộ trưởng Thương mại Indonesia thông báo cấm giao dịch hàng hóa trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Lệnh cấm được thực hiện theo một quy định mới ban hành nhằm ngăn chặn hoạt động bán hàng trực tuyến của các công ty công nghệ lớn được cho là đang gây tổn hại cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ trong nước.
Trong những tuần gần đây, giới chức Indonesia đã lên tiếng kêu gọi tách bạch mạng xã hội và thương mại điện tử, nhắm vào các nền tảng được cho là có các hoạt động độc quyền đe dọa những người bán hàng ngoại tuyến. Một số người đặc biệt chỉ trích ứng dụng TikTok.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan thông báo quy định thương mại này đã có hiệu lực từ ngày 26/9, đồng thời cho biết các nền tảng thương mại xã hội sẽ có một tuần chuẩn bị để tuân thủ quy định mới, theo đó không được phép thực hiện các giao dịch trực tiếp và chỉ được quảng bá các sản phẩm.
[Indonesia cấp phép cho TikTok hoạt động thương mại điện tử]
Trước khi có quy định mới nói trên, luật pháp của Indonesia chưa quản lý hoạt động giao dịch trực tiếp thông qua các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok, Facebook hay Instagram.
Quy định mới này lại là một trở ngại khác đối với TikTok, vốn đã phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ ở Mỹ và các quốc gia khác trong những tháng gần đây liên quan đến vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng.
Indonesia là một trong những thị trường lớn nhất thế giới của TikTok Shop và là thị trường đầu tiên thử nghiệm sàn thương mại điện tử của ứng dụng này.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này cũng là quốc gia đầu tiên trong khu vực có hành động chống lại sự phổ biến ngày càng tăng của TikTok trong không gian thương mại trực tuyến./.