Indonesia đã chấp nhận nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan

Tổng thống Joko Widodo cuối cùng đã đồng ý nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan để đảm bảo lượng gạo cung cấp cho thị trường trong nước và duy trì giá gạo ổn định.
Indonesia đã chấp nhận nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan ảnh 1Ảnh minh họa: Văn Trí/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn báo Bưu điện Jakarta ngày 22/10 cho biết, Tổng thống Joko Widodo cuối cùng đã đồng ý nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan để đảm bảo lượng gạo cung cấp cho thị trường trong nước và duy trì giá gạo ổn định.

Tuyên bố này được Tổng thống đưa ra ngày 21/10 tại hội chợ thương mại Indonesia (Trade Expo Indonesia) lần thứ 30 năm 2015 ở Thủ đô Jakarta và đây là lần đầu tiên ông khẳng định về chuyện Indonesia sẽ nhập khẩu gạo từ nước ngoài.

Trước đó, Tổng thống đã nhiều lần khẳng định rằng dù lượng gạo của Indonesia năm nay sản xuất được thấp hơn dự tính nhưng vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu và quốc đảo sẽ tự cung tự cấp gạo sớm hơn kế hoạch là năm 2017.

Với dân số 250 triệu người và thói quen sử dụng gạo là lương thực chính thì gạo là mặt hàng thiết yếu và rất quan trọng đối với đất nước có dân số lớn thứ tư trên thế giới này.

Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, mùa khô năm nay kéo dài cộng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến 200.000ha lúa bị thiếu nước, trong đó có 30.000ha mất trắng. Điều này khiến cho sản lượng lúa của nước này trong năm nay không thể đạt mức 75,5 triệu tấn như ước tính trước đó của Cục Thống kê Quốc gia Indonesia.

Indonesia đã phải đàm phán với các nhà sản xuất lúa gạo lớn trong khu vực về khả năng nhập khẩu dự phòng, theo đó, Việt Nam đã đồng ý cũng cấp 1 triệu tấn gạo trong khi Thái Lan chưa đưa ra con số cụ thể. Tuy nhiên, Indonesia chưa khẳng định lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam vì còn cân nhắc đến nhiều yếu tố, trong đó có diễn biến của thời tiết sẽ có thể làm thay đổi những dự đoán trước đó về mức độ mất mùa.

Trước đó, vào thời điểm cuối tháng Chín, ​giám đốc BULOG Djarot Kusumayakti cho biết, lượng gạo tồn kho tính đến tháng 12/2015 dự kiến chỉ đạt khoảng 62.000 tấn, trong khi cần phải dự trữ từ 1,5-2 triệu tấn mới có thể đáp ứng nhu cầu trước khi vào vụ thu hoạch mới vào đầu năm 2016./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.