Indonesia đăng cai tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN

Tổng cục trưởng Cục Đàm phán Thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia cho biết sự kiện mua sắm trực tuyến này sẽ thu hút sự tham dự trực tiếp của các doanh nhân đến từ các nước khu vực.
Indonesia đăng cai tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN ảnh 1Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN 2023 sẽ diễn ra cùng lúc tại 10 nước thành viên khối ASEAN từ 8/8 đến 22/8. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Indonesia sẽ đăng cai tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào ngày 19/8 tại thành phố Semarang, tỉnh Trung Java trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 55 và các Hội nghị liên quan.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu họp báo ngày 17/8, Tổng cục trưởng Cục Đàm phán Thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia, ông Djatmiko Bris Witjaksono cho biết sự kiện này sẽ thu hút sự tham dự trực tiếp của các doanh nhân đến từ các nước khu vực, trong khi hoạt động bán hàng sẽ diễn ra thông qua một cổng thông tin.

Đây là lần đầu tiên Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN được khởi động trực tiếp kể từ khi được khởi xướng cách đây 3 năm, nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực.

Ông Djatmiko bày tỏ tin tưởng rằng sự kiện năm nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia tiếp thị sản phẩm tới các nước ASEAN.

AEM-55 diễn ra từ ngày 17-22/8 tại Semarang với 19 cuộc họp giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và những người đồng cấp của các nước đối tác đối thoại của ASEAN. Đây là hội nghị cuối cùng trong chuỗi các cuộc họp AEM thuộc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Indonesia năm 2023.

[Tăng trải nghiệm người tiêu dùng trong Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN]

Kết quả của hội nghị sẽ được báo cáo lên Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra vào tháng 9 tới tại Jakarta. AEM-55 hướng tới 3 mục tiêu chính, trong đó trước hết là hoàn thành các ưu tiên kinh tế của Chủ tịch ASEAN năm 2023 như ký Nghị định thư sửa đổi lần thứ hai Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA); phê chuẩn các văn kiện liên quan đến Hiệp định khung kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA), các tuyên bố cấp bộ trưởng liên quan đến Khung sáng kiến về các dự án công nghiệp ASEAN, các Điều khoản tham chiếu (ToR) và Thỏa thuận cấp kinh phí thành lập Đơn vị hỗ trợ Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2024.

Mục tiêu thứ hai của hội nghị trên là tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác đối thoại và đối tác chiến lược, trong đó có việc thông qua Chương trình Công tác Đầu tư và Thương mại ASEAN-Liên minh châu Âu giai đoạn 2024-2025, thay đổi thời gian hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Canada (ACAFTA) vào năm 2025, xây dựng kế hoạch công tác nhằm thúc đẩy Quan hệ đối tác kinh tế ASEAN-Nhật Bản sáng tạo và bền vững, phê chuẩn ToR của Ủy ban hỗn hợp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (AITIGA) và các văn kiện khác liên quan đến đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA). Mục tiêu cuối cùng của AEM-55 là tăng cường hợp tác giữa các chủ thể kinh doanh trong ASEAN và các nước đối tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.