Indonesia đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế trong 2023

Ngày 11/1, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định rằng nước này cần tiếp tục tăng cường ngoại giao kinh tế trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức như hiện nay.
Indonesia đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế trong 2023 ảnh 1Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. (Nguồn: AFP)

Trong bài phát biểu trước các thành viên ngoại giao đoàn ở Jakarta vào ngày 11/1, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định rằng nước này cần tiếp tục tăng cường ngoại giao kinh tế trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức như hiện nay.

Theo bà Retno, trong suốt nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào năm 2022, Indonesia đã ký kết khoảng 140 dự án hợp tác song phương với tổng giá trị lên tới hơn 1,1 triệu tỷ rupiah (71 tỷ USD).

Chương trình hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng với tổng số vốn cam kết hơn 312.000 tỷ rupiah (20 tỷ USD) cũng đã được Indonesia công bố bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào trung tuần tháng 11 vừa qua trên đảo du lịch Bali.

Các nỗ lực tăng cường tiếp cận thị trường cũng được tiến hành, với việc đẩy nhanh việc ký kết các hiệp định thương mại song phương với Chile, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Hàn Quốc, Nhật Bản và Mauritius.

Ở cấp khu vực, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được Indonesia ký kết và đưa vào thực hiện. Ngoài ra, Indonesia cũng tham gia đàm phán nâng cấp Hiệp định tự do thương mại (FTA) ASEAN – Australia-New Zealand và FTA ASEAN – Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc).

[Kinh tế Indonesia tăng trưởng vượt dự báo trong quý 3]

Trong năm 2023, ngành ngoại giao Indonesia sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế, tập trung vào việc tăng tốc phục hồi kinh tế quốc gia và đẩy mạnh tăng trưởng của nền kinh tế xanh. Jakarta sẽ đẩy nhanh việc hoàn tất các cuộc đàm phán song phương về các FTA với Canada và Thổ Nhĩ Kỳ; các Hiệp định ưu đãi thương mại (PTA) với Bangladesh, Djibouti, Fiji, Iran và Mauritius, cũng như Hiệp định thương mại hàng hóa với Pakistan; Hiệp định đầu tư song phương (BIT) với Timor Leste; cũng như thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp ở Indonesia.

Ở cấp độ khu vực, Indonesia sẽ tích cực thúc đẩy nhằm sớm hoàn tất các FTA với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Liên minh châu Âu (EU), và ASEAN-Canada. Riêng tại châu Phi, Indonesia sẽ khởi động đàm phán FTA với một số tổ chức như Liên minh thuế quan miền Nam châu Phi (SACU), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Cộng đồng Đông Phi (EAC).

Mặt khác, Bộ Ngoại giao Indonesia cũng sẽ tổ chức một số diễn đàn kinh doanh, trong đó có Diễn đàn Doanh nghiệp Indonesia-châu Âu (IEBF), ngoài việc hỗ trợ chương trình “BUMN Go Global” của các doanh nghiệp nhà nước, diễn đàn du lịch “Bali and Beyond Travel Fair 2023”, và tham dự triển lãm “Hannover Messe” tại Đức với tư cách quốc gia đối tác chính thức.

Ngoại giao kinh tế của Indonesia cũng sẽ tập trung thúc đẩy nền kinh tế xanh, đấu tranh chống phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế, và bảo vệ chủ quyền kinh tế quốc gia trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích của người dân thông qua chương trình phát triển công nghiệp chế biến hạ nguồn trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.