Theo số liệu được công bố ngày 17/12 của công ty dữ liệu thị trường Refinitiv, thâm hụt thương mại của Indonesia trong tháng 11 đã chạm mức cao nhất trong 5 năm qua.
Số liệu cho thấy, Indonesia ghi nhận mức thâm hụt 2,05 tỷ USD trong tháng 11, cao hơn nhiều so với con số đã được điều chỉnh ở mức 1,77 tỷ USD của tháng 10 và cũng là mức thâm hụt thương mại lớn nhất kể từ tháng 7/2013. Trong khi đó, một khảo sát trước đó của hãng tin Reuters dự đoán con số thâm hụt này chỉ ở mức 830 triệu USD.
Tháng 11, kim ngạch xuất khẩu của Indonesia bất ngờ giảm 3,28% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 14,83 tỷ USD, mức tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2017, chủ yếu do sự sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu một loạt mặt hàng như dầu thô, dầu cọ, mặt hàng trang sức, bột giấy và giấy.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 11 lại tăng 11,68% so với cùng kỳ năm ngoái lên 16,88 tỷ USD, vượt cả mức tăng dự đoán 10,50% được đưa ra trong khảo sát của Reuters, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng gần 24% ghi nhận hồi tháng 10.
Trong những tháng gần đây, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã phải vật lộn để kiềm chế hoạt động nhập khẩu. Indonesia đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế nhập khẩu như tăng thuế. Giới chức nước này còn đẩy nhanh việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu, nhằm giảm thâm hụt thương mại và hỗ trợ cho đồng rupiah.
Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã tăng lãi suất 6 lần kể từ tháng Năm với nỗ lực thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp nhằm cải thiện cán cân vãng lai đang ngày càng thâm hụt. Chuyên gia kinh tế Fakhrul Fulvian, thuộc hãng Trimegah Sekuritas, nhận định mức thâm hụt thương mại lớn hơn dự đoán nói trên sẽ làm giảm khả năng cải thiện cán cân vãng lai trong quý Tư, đồng thời cho rằng BI sẽ không thể nâng tiếp lãi suất vì cơ quan này đã làm việc đó trong tháng 11. /.