Indonesia kêu gọi các nước G20 chung tay cắt giảm khí thải

Indonesia - nước Chủ tịch luân phiên G20 - đã kêu gọi các nước cần hợp tác để ngăn tình trạng ấm lên trên toàn cầu hoặc chứng kiến hành tinh bị rơi vào một "tương lai bấp bênh."
Indonesia kêu gọi các nước G20 chung tay cắt giảm khí thải ảnh 1Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya Bakar. (Ảnh: Reuters)

Nếu các nước không cùng nhau hợp tác để cắt giảm khí thải, hành tinh vốn tươi đẹp của chúng ta có nguy cơ trở thành “vùng hoang mạc.”

Đây là lời cảnh báo của Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya Bakar tại cuộc họp các quan chức cấp cao Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về vấn đề khí hậu tại Bali trong ngày 31/8.

Cuộc họp về khí hậu của G20 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, lũ lụt và hạn hán.

Số người thiệt mạng do lũ lụt tại Pakistan trong tháng này đã lên hơn 1.100 người, trong khi hạn hán hoành hành tại một nửa lãnh thổ của Trung Quốc.

Các nhà khoa học cho biết hầu hết các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như vậy là do tình trạng biến đổi khí hậu.

Mức độ nghiêm trọng và tần suất sẽ gia tăng khi Trái Đất tiến gần tới mức tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trước tình hình này, Indonesia - nước Chủ tịch luân phiên G20 - đã kêu gọi các nước cần hợp tác để ngăn tình trạng ấm lên toàn cầu hoặc chứng kiến hành tinh bị rơi vào một "tương lai bấp bênh."

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Siti Nurbaya Bakar khẳng định những vấn đề toàn cầu đòi hỏi những giải pháp mang tính toàn cầu, nếu không Trái Đất sẽ đối mặt với tương lai không bền vững.

Bộ trưởng Môi trường Indonesia cho biết Indonesia với tư cách là Chủ tịch G20, đã mời đại diện của Liên minh châu Phi tham gia cuộc họp lần đầu tiên và khẳng định đây là trách nhiệm, bổn phận của mỗi quốc gia, không phân biệt giàu có và quy mô.

Bà nhấn mạnh thế giới đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức như giá năng lượng cao, tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến các cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn và xuất hiện nhiều hơn, trong khi các nước sẽ không thể tự giải quyết các vấn đề môi trường trên toàn cầu.

[Thế giới đang tiến gần đến mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 3 độ C]

Bộ trưởng Siti Nurbaya Bakar nhấn mạnh biến đổi khí hậu không chỉ xóa sạch mọi tiến bộ phát triển đạt được trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt tại những nền kinh tế mới nổi, mà còn khiến tình hình vượt tầm kiểm soát.

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26) tại Glasgow (Anh), ông Alok Sharma nhận định cuộc khủng hoảng ở Ukraine đặt ra nhu cầu cấp thiết phải chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Theo ông, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay cho thấy nhiều quốc gia dễ bị tổn thương do phần lớn dựa vào nhiên liệu hóa thạch của quốc gia khác.

An ninh khí hậu giờ đây đồng nghĩa với an ninh năng lượng và mối đe dọa thường xuyên đối với biến đổi khí hậu sẽ không biến mất.

Tham gia cuộc họp lần này còn có đặc phái viên về vấn đề khí hậu của Tổng thống Mỹ John Kerry và các quan chức Ấn Độ, Australia, Italy, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều quốc gia khác.

Cuộc họp này là mở màn cho Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục