Indonesia khuyến khích các nhà đầu tư Mỹ tham gia lĩnh vực kỹ thuật số

Việc đầu tư vào Indonesia đã trở nên dễ dàng hơn nhờ những chính sách của chính phủ trong việc tạo môi trường đã được quy định trong Luật Omnibus vừa được Quốc hội thông qua.
Indonesia khuyến khích các nhà đầu tư Mỹ tham gia lĩnh vực kỹ thuật số ảnh 1Đại sứ Indonesia tại Mỹ Muhammad Lutfi (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tại cuộc gặp với các doanh nhân, nhà tư vấn kinh doanh của Mỹ ngày 16/12, Đại sứ Indonesia tại Mỹ Muhammad Lutfi đã khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, đặc biệt trong việc thực hiện số hóa trong lĩnh vực y tế và giáo dục ở Indonesia. Đây sẽ trở thành một trong những lĩnh vực thương mại chính giữa hai nước, bổ sung cho các lĩnh vực phát triển khác.

Việc đầu tư vào Indonesia đã trở nên dễ dàng hơn nhờ những chính sách của chính phủ trong việc tạo môi trường đã được quy định trong Luật Omnibus vừa được Quốc hội thông qua. Mặt khác, đầu tư vào Indonesia trong lĩnh vực kỹ thuật số sẽ là một bước vào để mở ra cơ hội tiếp cận nhiều hơn với thị trường nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN, hiện có giá trị hơn 100 tỷ USD.

Cũng theo ông Lutfi cho biết, trong thời kỳ đại dịch bùng phát trở lại, nền kinh tế kỹ thuật số sẽ tiếp tục đạt được động lực lớn hơn trong phát triển kinh tế ở Indonesia, khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng của lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số ở Indonesia đã đạt trên 40% mỗi năm. Vì lý do này, các quốc gia trên thế giới, kể cả trong khu vực, cần tăng cường nỗ lực chung trong việc đối phó với tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.

[Cựu đại sứ làm Bộ trưởng Thương mại Indonesia]

Điều này là do cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay rất khác với các cuộc khủng hoảng trước đây, vì vậy cần phải được giải quyết thông qua tăng cường khả năng chống chịu và hợp tác trong lĩnh vực y tế, nền kinh tế kỹ thuật số và ngành chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế của ASEAN sẽ được giúp đỡ bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khung phục hồi Tổng thể ASEAN và khả năng tiếp cận vắc-xin phòng ngừa COVID-19.

Trước đó, Chính phủ Mỹ đã tiếp tục gia hạn cung cấp các cơ sở Hệ thống ưu đãi tổng quát (GSP) cho Indonesia. Indonesia và Mỹ cũng đã ký Bản ghi nhớ về cơ sở hạ tầng và tài trợ thương mại trị giá 750 triệu USD với ngân hàng EximBank của Mỹ.

Theo số liệu thống kê của Ban Điều phối đầu tư (BKPM) Indonesia, trong 9 tháng kể từ đầu năm 2020, Indonesia đã thu hút được 480,1 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các doanh nghiệp Mỹ, đưa Mỹ trở thành quốc gia thứ 8 trong danh sách các quốc gia có số vốn đầu tư lớn nhất tại Indonesia trong năm 2020. Tuy nhiên, mức đầu tư này của các doanh nghiệp Mỹ đã giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến hết tháng 11/2020, tổng số FDI vào Indonesia được ghi nhận là giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 21,4 tỷ USD do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.