Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác về Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) ngày 31/5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết nước này đang phát triển khu công nghiệp xanh lớn nhất thế giới đặt tại Bắc Kalimantan (Kaltara).
Đây là khu vực có tiềm năng lớn trong việc phát triển năng lượng tái tạo.
Theo ông Jokowi, việc phát triển các mảng xanh phù hợp với tầm nhìn của Indonesia về việc xây dựng một thị trường carbon với tư cách là nước sở hữu trữ lượng carbon lớn nhất thế giới.
Chính phủ Indonesia đã thực hiện kế hoạch phát triển carbon thấp nằm trong kế hoạch phát triển trung hạn quốc gia (RPJMN).
[Thượng đỉnh P4G: Phát triển thành phố thông minh giúp giảm khí thải]
Một trong những cách mà Indonesia đã thực hiện là thông qua Luật Tạo việc làm để đảm bảo rằng tiến bộ kinh tế và xã hội không gây phương hại đến môi trường.
Sự sẵn có của việc hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ là chìa khóa thành công cho phát triển xanh. Do đó, Indonesia sẵn sàng đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, Indonesia mong muốn các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác cụ thể có thể triển khai ngay vì sự phát triển bền vững.
Nhà lãnh đạo nước này cũng nhấn mạnh việc tránh chủ nghĩa bảo hộ dưới chiêu bài các vấn đề môi trường. Theo đó, chủ nghĩa bảo hộ là một chính sách thương mại được sử dụng như một công cụ chính trị để phá vỡ nền kinh tế thị trường.
“Chúng ta phải tránh chủ nghĩa bảo hộ dưới chiêu bài các vấn đề môi trường, các thông số môi trường phải rõ ràng và được vận hành một cách trung thực và minh bạch.”
Trước đó, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Panjaitan tuyên bố rằng Indonesia sẽ có diện tích cây xanh tổng hợp lớn nhất trên thế giới.
Khu vực Bắc Kalimantan với diện tích 12.500ha. Khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ bởi các nguồn năng lượng xanh từ các nhà máy thủy điện. Sau đó, lượng điện có thể được tạo ra đạt 11.000MW.
Khu vực này sẽ giúp Indonesia đạt được mục tiêu chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng mới như năng lượng tái tạo (EBT) thân thiện với môi trường để Indonesia có thể đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải xuống 0 vào năm 2060./.