Dự kiến Indonesia sẽ tái gia nhập Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào tháng 12 tới, sự kiện làm khối này thêm “đau đầu” trong quyết định liệu có thay đổi mức trần sản lượng khai thác dầu hay không.
Sau khi kiên quyết không cắt giảm sản lượng khai thác dầu trong năm 2014, OPEC đã tung ra thị trường trên 30 triệu thùng dầu/ngày, vượt mục tiêu sản lượng của khối.
Sự "tái xuất" của Indonesia tại OPEC với tư cách là nước thành viên thứ 13 đồng nghĩa với việc sản lượng khai thác dầu của tổ chức này sẽ tăng thêm khoảng 900.000 thùng dầu/ngày, đưa tổng sản lượng của OPEC lên khoảng 32,5 triệu thùng/ngày.
Chính vì vậy, theo giới chuyên gia, xét về mặt lý thuyết OPEC cần nâng mức trần sản lượng.
Tuy nhiên, nội bộ OPEC vẫn chưa thống nhất về quyết định trên, do lo ngại việc này sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá “vàng đen” vốn đã tuột dốc không phanh trong thời gian qua, cũng như xới lại chủ đề "gai góc" về hạn ngạch khai thác riêng của từng nước thành viên.
Hiện giá dầu trụ trên mức 53 USD/thùng, áp sát mức đáy của sáu năm qua, làm tổn hại rất lớn tới nguồn thu (từ dầu mỏ) của các nước thành viên.
Indonesia sau khi tái gia nhập OPEC sẽ là nước thành viên có sản lượng thấp thứ tư của khối.
Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), sản lượng khai thác dầu của quốc gia Đông Nam Á này trong tháng Tám đạt 910.000 thùng/ngày trong khi OPEC hiện cung cấp tổng cộng 31,57 triệu thùng/ngày.
Theo đó, dựa vào thống kê trên, có thể thấy mức trần sản lượng khai thác dầu hiện nay không còn hợp lý.
Theo kế hoạch, cuộc họp chính sách bàn về sản lượng khai thác dầu của OPEC sẽ diễn ra vào ngày 4/12 tới đây./.