Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia (Kominfo) đang tiến hành giám sát dịch vụ ChatGPT do công ty OpenAI có trụ sở tại Mỹ phát triển.
ChatGPT là ứng dụng trí tuệ nhân tạo có khả năng kiểm tra một lượng lớn dữ liệu để trả lời nhiều câu hỏi khác nhau thông qua các câu lệnh.
Ngày 23/2 vừa qua, Tổng Cục trưởng Ứng dụng tin học thuộc Kominfo, ông Semuel Abrijani Pangerapan cho biết cơ quan này sẽ xem liệu ChatGPT có thâm nhập thị trường Indonesia hay không.
[ChatGPT thúc đẩy “làn sóng” sách do AI viết trên Amazon Kindle]
Nếu mục tiêu của ChatGPT là khai thác thị trường Indonesia, cơ quan này sẽ liên hệ và yêu cầu công ty đăng ký giấy phép nhà điều hành hệ thống điện tử (PSE).
Nếu thuộc 6 loại PSE và là dịch vụ trả phí, ChatGPT sẽ bắt buộc phải đăng ký theo quy định của chính phủ liên quan đến việc triển khai các hệ thống và giao dịch điện tử và quy định sửa đổi của Bộ trưởng Kominfo liên quan đến các PSE tư nhân.
Kể từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, ChatGPT đã thu hút sự chú ý của thế giới nhờ khả năng viết luận, làm thơ hoặc viết code theo yêu cầu chỉ trong vài giây.
Đây là phần mềm có tốc độ thu hút người dùng nhanh nhất khi đạt 57 triệu người dùng sau 1 tháng ra mắt và cán mốc 100 triệu tính đến ngày 31/1 vừa qua.
Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ thông tin sai lệch và gian lận về học vấn.
Đầu tháng này, OpenAI đã công bố phiên bản trả phí của ChatGPT có tên là “ChatGPT Plus,” với mức phí 20 USD/tháng tại Indonesia./.