Indonesia và Australia ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita và người đồng cấp Australia Simon Birmingham đã ký thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD tại thủ đô Jakarta, khép lại 9 năm đàm phán.
Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita (phải) và người đồng cấp Australia Simon Birmingham. (Nguồn: Reuters)
Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita (phải) và người đồng cấp Australia Simon Birmingham. (Nguồn: Reuters)

Sau nhiều tháng trì hoãn do căng thẳng ngoại giao xung quanh kế hoạch chuyển Đại sứ quán của Australia tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, ngày 4/3, Indonesia và Australia đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Indonesia và Australia (IA-CEPA).

Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita và người đồng cấp Australia Simon Birmingham đã ký thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD tại thủ đô Jakarta, khép lại 9 năm đàm phán.

Thỏa thuận sẽ giúp các nông dân chăn nuôi gia súc Australia có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường 260 triệu dân của Indonesia, trong khi các trường đại học Australia hay các nhà cung cấp y tế cũng sẽ được hưởng lợi nhờ dễ dàng tiếp cận nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.

Ở chiều ngược lại, hoạt động của các doanh nghiệp Indonesia trong các ngành dệt may, máy móc tự động, xuất khẩu gỗ, hàng điện tử và dược phẩm dự kiến được thúc đẩy nhờ thị trường Australia rộng mở hơn đối với nước này.

[Tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Indonesia cao nhất trong 5 năm]

Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 11,7 tỷ USD năm 2017 và Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Australia.

Bộ trưởng thương mại hai nước đều đánh giá IA-CEPA là công cụ giúp hai nước thắt chặt quan hệ song phương.

Indonesia và Australia ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Birmingham nhấn mạnh thỏa thuận này đánh dấu "một chương mới của sự hợp tác" giữa Australia và Indonesia, giúp hai nước châu Á-Thái Bình Dương xích gần nhau hơn bao giờ hết.

Về phần mình, Bộ trưởng Lukita nhấn mạnh IA-CEPA có thể mang lại sự thay đổi mạnh mẽ cho nền kinh tế hai nước.

Indonesia và Australia đã bắt đầu đàm phán IA-CEPA từ năm 2010 và lẽ ra ký kết trước cuối năm 2018. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị hoãn sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison hồi tháng 10 năm ngoái đề xuất chuyển Đại sứ quán của Australia tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Đề xuất của ông Morrison vấp phải chỉ trích kịch liệt từ phía Indonesia, quốc gia có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.