[Infographics] Sa Pa ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước

Với khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh sắc bốn mùa tươi đẹp, Sa Pa ở tỉnh Lào Cai, ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu của thiên nhiên và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống ở Lào Cai.
Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn

Sa Pa đã trải qua 120 năm hình thành, phát triển du lịch. Từ khi người Pháp đánh dấu mốc đầu tiên trên Đỉnh Fansipan vào năm 1903, sau đó đặt trạm nghỉ dưỡng để đón khách, cho đến hôm nay Sa Pa đã trở thành Khu Du lịch Quốc gia.

Với khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh sắc bốn mùa tươi đẹp, Sa Pa ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu của thiên nhiên và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc sinh sống ở Lào Cai. Sa Pa ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng.

Tuần Văn hóa Du lịch chào mừng 120 năm Du lịch Sa Pa diễn ra từ ngày 20-30/9, tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn được coi là sự kiện góp phần khẳng định vị thế của Du lịch Sa Pa, hướng tới mục tiêu đưa Sa Pa trở thành Khu Du lịch Quốc gia mang tầm cỡ Quốc tế.

Sa Pa được người Pháp phát hiện năm 1903, là địa điểm lý tưởng để xây dựng khu nghỉ mát. Nằm ở độ cao trung bình từ 1.500-1.650m so với mực nước biển, Sa Pa được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vĩ và trở thành những danh thắng nổi tiếng gắn với thương hiệu của Du lịch Sa Pa như Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn - 1 trong 4 Vườn Di sản đầu tiên được UNESCO công nhận tại Việt Nam; Đỉnh Fansipan (nóc nhà Đông Dương) với độ cao 3.143m so với mặt nước biển; di tích Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang, Hang động Tả Phìn, Khu chạm khắc đá cổ; Núi Hàm Rồng, đỉnh Ngũ Chỉ Sơn; đèo Ô Quý Hồ - một trong Tứ đại đỉnh đèo của vùng Tây Bắc.

Sa Pa lại có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, ôn đới mùa Hè không khí mát mẻ, mùa Đông lạnh thường xuyên dưới 10 độ C, có những năm giảm xuống dưới 0 độ C và xuất hiện băng, tuyết.

Đặc trưng khí hậu này đã tạo cho Sa Pa một hệ sinh thái phong phú và đa dạng nhất Việt Nam với hơn 2.847 loài thực vật, trong đó có 133 loài quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam và 34 loài trong Sách Đỏ Thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục