Intel hoãn kế hoạch xây dựng 2 nhà máy chip khổng lồ tại châu Âu

Thông báo hoãn kế hoạch xây dựng 2 nhà máy chế tạo chip khổng lồ sẽ là một cú sốc lớn đối với Chính phủ Đức và Ba Lan, những quốc gia đã đầu tư mạnh tay để trợ cấp cho các dự án trên.

Biểu tượng Intel tại Santa Clara, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng Intel tại Santa Clara, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà sản xuất chip Intel ngày 16/9 cho biết hãng này sẽ hoãn kế hoạch xây dựng 2 nhà máy chế tạo chip khổng lồ tại Đức và Ba Lan khi Intel đối mặt với nhu cầu thấp hơn dự kiến.

Thông báo trên sẽ là một cú sốc lớn đối với Chính phủ Đức và Ba Lan, những quốc gia đã đầu tư mạnh tay để trợ cấp cho các dự án trên và coi đây là một động lực quan trọng cho ngành công nghiệp quốc gia của hai nước này.

Intel cũng cho biết họ sẽ rút lui khỏi các dự án tại Malaysia, nhưng các kế hoạch tại Mỹ của hãng này sẽ không bị ảnh hưởng.

Tại Đức, công việc xây dựng dự án của Intel dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2023, nhưng đã bị trì hoãn sau khi cuộc xung đột tại Ukraine khiến lạm phát gia tăng.

Các quan chức Đức và Intel đã phải đàm phán về tài chính trong nhiều tháng, nhưng cuối cùng hai bên đã ký một thỏa thuận vào tháng 6/2023, bao gồm việc tăng trợ cấp.

Đức đã tăng trợ cấp để khởi động dự án nhà máy trị giá 30 tỷ euro (33 tỷ USD) lên gần 10 tỷ euro, nhiều hơn khoảng 3 tỷ euro so với mức đề xuất ban đầu.

Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Intel, Pat Gelsinger, cho biết gần đây hãng này đã tăng cường năng lực tại châu Âu thông qua nhà máy tại Ireland, nơi sẽ vẫn là trung tâm chính của Intel tại châu Âu trong thời gian sắp tới.

Ông Pat cho biết thêm sẽ tạm dừng các dự án của hãng tại Ba Lan và Đức khoảng hai năm dựa trên nhu cầu thị trường dự kiến.

Tại Ba Lan, Intel đã nhận được 1,8 tỷ USD để thiết lập một nhà máy bán dẫn gần Wroclaw.

Các quốc gia EU đang tìm cách tăng cường sản xuất bán dẫn và giảm phụ thuộc vào châu Á sau khi tình trạng thiếu hụt do đại dịch đã ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp.

Xung đột Nga-Ukraine đã cho thấy những rủi ro của việc phụ thuộc quá mức vào nguồn cung từ nước ngoài.

Ngày 16/9, Intel cũng cho biết sẽ nhận được 3 tỷ USD trong khoản tài trợ trực tiếp từ chính phủ Mỹ để tăng cường sản xuất bán dẫn cho quân đội Mỹ. Đây là một phần của nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng chip trong nước.

Intel cũng cho biết sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng Mỹ để nâng cấp hệ thống công nghệ của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.