Ngày 24/3, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 144 đã chính thức bế mạc tại Bali, Indonesia, với việc thông qua Tuyên bố Nusa Dua về biến đổi khí hậu, cùng hai nghị quyết liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, và khai thác công nghệ thông tin phục vụ lĩnh vực giáo dục.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani cho biết IPU-144 đã tổ chức nhiều phiên thảo luận về biến đổi khí hậu, vấn đề hòa bình và nguy cơ khủng hoảng, đồng thời tìm kiếm giải pháp cho những thách thức và vấn đề nóng bỏng này.
Chủ tịch Hạ viện Indonesia nhấn mạnh IPU là “cầu nối” cho lập trường khác biệt giữa các quốc gia về các vấn đề khác nhau.
Theo bà Puan, IPU là diễn đàn để cộng đồng quốc tế thấy rằng Quốc hội luôn khuyến khích hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy đoàn kết toàn cầu.
Tuyên bố Nusa Dua nêu rõ hành động mà các Nghị viện thành viên cần thực hiện nhằm triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó có việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, đảm bảo sự hòa nhập của các đối tượng yếu thế, và tăng cường hợp tác toàn cầu hướng tới các giải pháp khí hậu chung.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco nhấn mạnh: “Đã đến lúc phải hành động và thời gian không còn nhiều. IPU-144 cần huy động tất cả các đại biểu Quốc hội. Chúng ta cần làm gương và kiên quyết hành động trước khi quá muộn. Đừng phụ lòng nhân dân và thế hệ trẻ, những người đã đặt niềm tin vào chúng ta!”
Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Indonesia cho rằng các cam kết quốc tế chẳng có nghĩa lý gì nếu không được thực hiện ở cấp quốc gia.
Các Nghị viện cần xây dựng các công cụ pháp lý quốc gia, ngân sách phù hợp và giám sát thực hiện các cam kết quốc tế khác nhau, đồng thời cần huy động cắt giảm phát thải, tăng cường các nỗ lực thích ứng và thực hiện các cam kết tài trợ cho các nước đang phát triển.
Trước đó, tại các phiên thảo luận, các thành viên IPU cũng đã nêu bật những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu và các biện pháp đang được thực thi nhằm đẩy nhanh quá trình trung hòa carbon; nghe phần trình bày trực tiếp của diễn giả Samuelu Penitala Teo đến từ Tuvalu - quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng nước biển dâng và sự thay đổi của các hình thái thời tiết.
Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine, IPU-144 đã thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt với chủ đề “Suy nghĩ lại và tái điều chỉnh cách tiếp cận các tiến trình hòa bình nhằm thúc đẩy hòa bình lâu dài,” trong đó tái khẳng định nguyên tắc đối thoại cốt lõi của IPU trong giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Nghị quyết trên kêu gọi các Nghị viện đảm bảo rằng các tiến trình hòa bình ngày càng bao trùm, có tính đến tất cả các bên, quy tụ cả tiếng nói của phụ nữ và thanh niên.
Nghị quyết đề cập đến sự cần thiết phải thiết lập các cơ chế cho phép tất cả những người bị tác động bởi xung đột lên tiếng.
[Chủ tịch Hạ viện Indonesia hối thúc IPU lập quỹ chống biến đổi khí hậu]
Đại hội đồng IPU cũng thông qua Nghị quyết về Tận dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục, kể cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Nghị quyết nhằm mục đích xây dựng kinh nghiệm học tập từ xa và mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục.
Ngoài ra, trong khuôn khổ IPU-144, các đại biểu cũng đã nghe Thư ký điều hành của Tổ chức Hiệp ước Cấm thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT) Robert Floyd trình bày báo cáo, trong đó kêu gọi các nước tuân thủ hoàn toàn Hiệp ước nhằm giảm thiểu nguy cơ thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
IPU-144 do Quốc hội Indonesia đăng cai tổ chức và quy tụ các đại biểu đến từ hơn 110 Nghị viện thành viên, trong đó có 30 Chủ tịch Quốc hội.
Đây là một trong những sự kiện trực tiếp có quy mô lớn đầu tiên được tổ chức trong khu vực kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trong khuôn khổ IPU-144, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn đã có hàng loạt hoạt động như tham dự các phiên họp, thảo luận và tiếp xúc.
Bên lề lễ bế mạc, ông Vũ Hải Hà đã gặp gỡ Chủ tịch Hạ viện Indonesia; chúc mừng thành công của IPU-144; cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và sự hiếu khách của Quốc hội nước chủ nhà.
Được thành lập năm 1889 với trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ, IPU là một trong những tổ chức đa phương lâu đời nhất thế giới.
Hiện IPU quy tụ 178 Quốc hội thành viên và 14 tổ chức nghị viện khu vực với sứ mệnh thúc đẩy dân chủ và giúp các nghị viện trở nên mạnh mẽ hơn, trẻ hơn, cân bằng giới tính và đa dạng hơn./.