Iran bác bỏ mọi cuộc đàm phán hạt nhân trực tiếp với Mỹ

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bày tỏ hoài nghi về khả năng đạt được một thỏa thuận lâu dài với Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề hạt nhân.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 29/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 29/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/1, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã bác bỏ tiến hành mọi cuộc đàm phán hạt nhân trực tiếp với Mỹ.

Phát biểu tại một hội thảo an ninh ở thủ đô New Delhi, Ngoại trưởng Zarif còn lên tiếng chỉ trích việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015, nhấn mạnh đây là một trong "những thỏa thuận tốt nhất."

Ông cũng bày tỏ hoài nghi về khả năng đạt được một thỏa thuận lâu dài với Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề hạt nhân.

Trước đó một ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran bằng một thỏa thuận mới của riêng mình để đảm bảo nhà nước Hồi giáo này không sở hữu vũ khí hạt nhân.

[EU kích hoạt giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân Iran]

Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Anh công khai quan điểm ủng hộ thay thế thỏa thuận hạt nhân mà Anh là một trong những nước tham gia ký kết.

Trên tài khoản Twitter sau đó, Tổng thống Trump đã thể hiện sự nhất trí với phát biểu trên của Thủ tướng Johnson.

Theo thỏa thuận hạt nhân Iran, còn có tên gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Tehran chấp thuận hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân.

Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran.

Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran.

Tháng Năm vừa qua, Tehran tuyên bố sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani.

Cho đến nay, các nước châu Âu vẫn đang thuyết phục Iran tuân thủ cam kết để tránh nguy cơ thỏa thuận đổ vỡ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.