Iran cảnh báo nguy cơ một cuộc chiến tranh kinh tế với Mỹ

Iran tuyên bố một cuộc chiến kinh tế giữa nước này với Mỹ kéo theo các hệ lụy bất lợi cho Washington, trong khi đó ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái khẳng định quyết tâm áp đặt trừng phạt Tehran.
Iran cảnh báo nguy cơ một cuộc chiến tranh kinh tế với Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Iran tuyên bố một cuộc chiến kinh tế giữa nước này với Mỹ kéo theo các hệ lụy bất lợi cho Washington. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái khẳng định quyết tâm của Washington áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran.

Trong buổi tiếp các đại sứ, trưởng phái bộ ngoại giao của Iran ở nước ngoài ngày 22/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã gọi việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này cũng như các quốc gia có quan hệ thương mại với Tehran là "một cuộc chiến kinh tế."

Ông cảnh báo động thái của Washington sẽ gây ra các tác động tiêu cực và cam kết sẽ "đánh bại" Mỹ trong vấn đề này. Nhà lãnh đạo Iran cũng cảnh báo nếu nước này không thể xuất khẩu dầu của mình, các nước khác trong khu vực cũng sẽ không thể xuất khẩu dầu của họ.

Bên cạnh đó, Tổng thống Rouhani chỉ rõ Mỹ đang bị cô lập trong thế đối đầu với toàn bộ các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran với Nhóm P5+1, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).


[Iran: Mỹ thất bại trong việc làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân]

Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington "không ngại sử dụng các biện pháp trừng phạt ở mức cao nhất" đối với Tehran. Trong bài phát biểu tại Quỹ Reagan, quan chức này cũng tái khẳng định việc Mỹ muốn tất cả các nước giảm nhập khẩu dầu mỏ Iran "xuống càng gần mức 0 càng tốt" vào ngày 4/11.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 22/7 kêu các nước châu Âu trong JCPOA có hành động thực tiễn để giải cứu thỏa thuận hạt nhân này.

Hãng tin Tasnim của Iran dẫn lời ông Zarif nêu rõ bên cạnh các tuyên bố và cam kết, các nước châu Âu cũng cần có hành động cụ thể và cho tới nay Tehran "chưa thấy các bước đi đáng kể nào" từ các nước này.

Ngoại trưởng Zarif cho hay Iran sẽ tiếp tục các cuộc trao đổi với châu Âu, song sẽ không chờ đợi quá lâu.

Thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5 + 1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức). Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, đồng thời Nhà Trắng quyết định áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran.

Mặc dù các bên còn lại trong thỏa thuận cam kết vẫn tuân thủ JCPOA, song nhiều công ty nước ngoài đã bắt đầu thu hẹp hoạt động tại Iran để hạn chế những thiệt hại do có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.