Iran hạ giá dầu thô xuất sang thị trường châu Á trong tháng Sáu

Iran đã hạ giá bán dầu thô sang thị trường châu Á trong tháng 6/2016 với quyết tâm giành lại thị phần đã mất sau nhiều năm bị cấm vận kinh tế.
Iran hạ giá dầu thô xuất sang thị trường châu Á trong tháng Sáu ảnh 1Tàu chở dầu của Iran. (Nguồn: Reuters)

Iran đã hạ giá bán dầu thô sang thị trường châu Á trong tháng 6/2016 với quyết tâm giành lại thị phần đã mất sau nhiều năm bị cấm vận kinh tế.

Trong khi Saudi Arabia áp giá dầu thô tại thị trường châu Á thấp hơn 1,3 USD/thùng so với mức giá chuẩn, giá dầu thô của Iran tại thị trường này có mức chênh lệch 1,6 USD/thùng so với giá chuẩn.

Kể từ khi các lệnh trừng phạt của Phương Tây được bãi bỏ vào tháng 1/2016, Iran đã được tự do xuất khẩu dầu. Trước đây, Tehran thường thiết lập mức giá bán dầu theo chu kỳ hàng quý, nhưng động thái hạ giá mới nhất được thực hiện theo giai đoạn nửa quý.

Một nhà giao dịch dầu mỏ ở Trung Đông cho biết bằng cách đưa ra giá cạnh tranh, Iran đang nỗ lực giành lại thị phần một cách nhanh chóng.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu thô của Iran trong tháng 4/2016 đã đạt 3,56 triệu thùng/ngày, tăng 300.000 thùng/ngày so với tháng 3/2016.

Sản lượng khai thác của quốc gia Hồi giáo này đang gần đạt mức trước thời điểm bị cấm vận hồi năm 2011.

Iran đang thực thi các chính sách thu hút khách hàng nhằm tăng thị phần trên thị trường dầu mỏ thế giới. Xuất khẩu dầu của nước này trong tháng 4/2016 tăng 600.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, lên 2 triệu thùng/ngày.

Tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih nói rằng Riyadh sẽ không làm tràn ngập thị trường dầu mỏ.

Tuyên bố của ông al-Falih có vẻ như muốn "lấy lòng" các nhà sản xuất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên, sản lượng khai thác của Saudi Arabia hiện vẫn ở mức cao.

Trong bối cảnh cung và cầu trên thị trường quốc tế đang bước vào giai đoạn cân bằng hơn, cuộc chiến giành thị phần giữa Iran và Saudi Arabia, hai quốc gia có mối quan hệ thù địch tại Trung Đông, đang góp phần làm giá dầu đi xuống và thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất dầu mỏ ở khu vực Trung Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.