Iran hy vọng xuất khẩu dầu thô sẽ cải thiện trong thời gian tới

Bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Iran vẫn hy vọng hoạt động xuất khẩu dầu thô của nước này sẽ được cải thiện trong thời gian tới, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Iran hy vọng xuất khẩu dầu thô sẽ cải thiện trong thời gian tới ảnh 1Iran hy vọng xuất khẩu dầu thô sẽ cải thiện. (Nguồn: AP)

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh ngày 7/7 cho biết ông rất hy vọng hoạt động xuất khẩu dầu thô của nước này sẽ được cải thiện trong thời gian tới bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu "vàng đen" của Tehran.

Ông Zanganeh đã đưa ra bình luận trên giữa bối cảnh Iran đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt tiếp theo của Mỹ sau khi nước này ngày 7/7 thông báo tăng lượng uranium làm giàu lên trên mức trần quy định theo thỏa thuận mà Tehran và 6 cường quốc đã ký kết năm 2015 về vấn đề hạt nhân. 

Theo nguồn tin trong ngành dầu mỏ, xuất khẩu dầu thô của Iran trong tháng 6/2019 đã giảm xuống còn 300.000 thùng/ngày hay thấp hơn sau khi Washington tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran trong tháng 5/2019. Trước đó, trong tháng 4/2018, xuất khẩu của Iran đạt hơn 2,5 triệu thùng/ngày. 

[Sản lượng dầu mỏ của Iran thấp nhất kể từ thập niên 1980]

Mỹ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran kể từ đầu tháng 5/2019, yêu cầu tất cả nền kinh tế và doanh nghiệp ngừng nhập khẩu dầu của Iran. Sau khi Mỹ cảnh báo về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Iran, hai tập đoàn năng lượng Total (Pháp) và CNPC (Trung Quốc) đã ngừng hoạt động đầu tư trong giai đoạn thứ 11 tại mỏ khí đốt South Pars của nước này trong năm 2018.

Ông Zanganeh cho rằng Mỹ đã gây bất ổn cho thị trường dầu mỏ thế giới khi sử dụng dầu mỏ như biện pháp gây sức ép đối với Iran trong vấn đề hạt nhân.

Theo ông Zanganeh, sự hợp tác giữa các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu ngoài OPEC sẽ giúp bình ổn thị trường “vàng đen” thế giới.

Theo thỏa thuận ký kết năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc, hầu hết biện pháp trừng phạt đối với Iran đã được dỡ bỏ và đổi lại nước này phải hạn chế các hoạt động liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Tuy vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018 đã tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận trên và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.