Iran và Iraq cương quyết chống lại áp lực cắt giảm sản lượng từ Saudi Arabia, khiến nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận cuối cùng về cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trở nên khó khăn hơn tại cuộc họp chính thức ngày 30/11 ở Vienna (Áo).
Các nguồn tin từ OPEC cho biết cuộc họp cấp chuyên gia ở Vienna hôm 28/11 đã thất bại trong việc giải quyết những bất đồng về cơ chế cắt giảm sản lượng giữa Saudi Arabia, nhà sản xuất lớn nhất OPEC, với hai nước sản xuất đứng thứ hai khối này là Iraq và Iran.
Tại cuộc họp kéo dài 10 giờ này, Iran cho biết sẵn sàng đóng băng sản lượng sau khi đạt được mức tương đương như thời điểm chưa bị cấm vận, tức là phải tăng thêm khoảng 200.000 thùng nữa từ 3,975 triệu thùng/ngày hiện nay. Còn Saudi Arabia yêu cầu Iran hạn chế sản lượng khoảng 3,7 triệu thùng/ngày.
Ngày 29/11, căng thẳng tiếp tục gia tăng sau khi Iran gửi thư đề nghị tới OPEC, trong đó Tehran nêu rõ muốn Saudi Arabia cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày, gấp đôi mức đề xuất của Riyadh. Phát biểu trước các phóng viên khi lên đường tới Vienna, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh khẳng định nước ông không sẵn sàng cắt giảm sản lượng khai thác.
Ông Zanganeh nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ giữ sản lượng ở mức mà chúng tôi đã quyết định tại cuộc họp không chính thức của OPEC hồi cuối tháng Chín tại Algeria."
OPEC - hiện chiếm hơn 1/3 sản lượng toàn cầu - đã đạt được thỏa thuận sơ bộ tại cuộc họp ở Algeria hôm 28/9, theo đó sản lượng khối này sẽ được cắt giảm xuống khoảng 32,5-33 triệu thùng/ngày, từ mức 33,64 triệu thùng/ngày hiện nay, nhằm vực dậy giá dầu vốn đã giảm hơn một nửa từ mức đỉnh điểm hồi giữa năm 2014. OPEC cho biết sẽ miễn trừ cho Iran, Libya và Nigeria vì sản lượng của các nước này đã giảm sút đáng kể do bất ổn và các lệnh trừng phạt quốc tế.
Trong những tuần gần đây, Saudi Arabia đã thay đổi lập trường khi đề xuất mức cắt giảm 0,5 triệu thùng/ngày của nước này, đồng thời yêu cầu Iran hạn chế sản lượng quanh ngưỡng 3,8 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, Iran đã phản ứng gay gắt đồng thời tuyên bố vẫn muốn duy trì sản lượng ở mức 4,2 triệu thùng/ngày.
Thư kiến nghị của Iran gửi tới OPEC yêu cầu Saudi Arabia phải giảm sản lượng xuống 9,5 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Iraq cũng lên tiếng phản đối yêu cầu cắt giảm sản lượng, cho rằng nước này đang cần tiền để chống khủng bố. Tổng sản lượng của Iran và Iraq cộng lại chỉ nhỉnh hơn 8 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mức 10,5 triệu thùng/ngày hiện nay của Saudi Arabia.
Trước tình hình trên, trong phiên giao dịch ngày 29/11, giá dầu thế giới giảm gần 4% do thị trường e ngại rằng các nhà sản xuất dầu lớn bất đồng về thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên 29/11 tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 1/2017 giảm 1,85 USD xuống 45,23 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn giảm 1,86 USD xuống 46,38 USD/thùng tại London./.