Iran ký hợp đồng 440 triệu USD phát triển mỏ khí đốt tại vùng Vịnh

Mỏ khí đốt Belal ở Vùng Vịnh - một phần do Qatar sở hữu - có vị trí địa lý ở vùng biên giới trên biển giữa Iran và Qatar tại khu vực Vùng Vịnh, dự kiến sẽ sản xuất 500 triệu m3 khí đốt/ngày.
Iran ký hợp đồng 440 triệu USD phát triển mỏ khí đốt tại vùng Vịnh ảnh 1Ngành năng lượng Iran vẫn tích cực hoạt động bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. (Nguồn: Fmtnews)

Theo truyền hình quốc gia Iran, Chính phủ Iran ngày 14/9 đã ký một hợp đồng trị giá 440 triệu USD với công ty dầu mỏ Petropars của nước này để phát triển mỏ khí đốt Belal ở Vùng Vịnh, đồng thời cho biết ngành năng lượng Iran vẫn tích cực hoạt động bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Phát biểu tại lễ ký hợp đồng nói trên, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh nhấn mạnh: "Hợp đồng này và những hợp đồng sắp tới mà Iran sẽ ký kết cho thấy các hoạt động của nền kinh tế Iran vẫn đang diễn ra dù phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.”

Theo thỏa thuận trên, được ký với một công ty con của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC), Petropars sẽ sản xuất 500 triệu m3 khí đốt/ngày.

[Trừng phạt của Mỹ không thể khiến Iran mất hết doanh thu dầu mỏ]

Belal, mỏ khí đốt mà Qatar cũng sở hữu một phần, có vị trí địa lý ở vùng biên giới trên biển giữa Iran và Qatar tại khu vực Vùng Vịnh.

Trước đó, ông Zanganeh ngày 27/8 đã lên tiếng bác bỏ ý kiến cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây ra những ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Ông Zanganeh khẳng định rằng sản lượng dầu mỏ của Iran sẽ nhanh chóng trở lại bình thường khi các lệnh cấm vận từ Washington được dỡ bỏ.

Theo ông Zanganeh, sản lượng các sản phẩm hóa dầu của Iran đã tăng gấp đôi so với năm 2013.

Ông Zanganeh khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ vượt mục tiêu về sản lượng các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ là 100 triệu tấn/năm vào năm 2021.

Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018 đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và sáu quốc gia hồi năm 2015 và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.