Iran và Pakistan hợp tác xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt

Một phái đoàn cấp cao của Quốc hội Iran đã tới Pakistan để thảo luận về dự án hợp tác xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt nối liền hai nước.
Iran và Pakistan hợp tác xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Ngày 14/7, một phái đoàn cấp cao của Quốc hội Iran đã tới thủ đô Islamabad của Pakistan để thảo luận về dự án hợp tác xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt nối liền hai nước sau khi Tehran ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử với các cường quốc thế giới.

Tại cuộc gặp, Thượng nghị sỹ Pakistan Nosrat Sadeq khẳng định Pakistan sẽ xúc tiến xây dựng tuyến đường ống bên phần lãnh thổ của mình, đặc biệt là trong bối cảnh Iran và nhóm P5+1 (bao gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) vừa đạt thỏa thuận toàn diện nhằm giải quyết hoàn toàn vấn đề hạt nhân của Tehran.

Iran và Pakistan đã chính thức khởi công xây dựng các hạng mục của dự án đường ống dẫn khí chung trị giá nhiều tỷ USD tại khu vực biên giới hai nước hồi tháng 3/2013.

Theo hợp đồng mua bán khí đốt (GSPA) được ký giữa Iran và Pakistan trong năm 2009, dòng khí đầu tiên của Tehran sẽ tới Islamabad bắt đầu từ ngày 31/12/2014, song tiến độ dự án bên phía Pakistan bị chậm lại. Iran đã xây dựng được 900 km đường ống trên lãnh thổ của mình và đang chờ đợi phía Pakistan hoàn thành việc lắp đặt 700km đường ống.

Theo đề xuất ban đầu của dự án, tuyến đường ống bắt đầu từ Khu năng lượng Assalouyeh ở miền Nam Iran và trải dài hơn 1.100km trên lãnh thổ nước này. Tại Pakistan, tuyến đường ống sẽ đi qua Baluchistan và Sindh.

Hai bên đang thảo luận lại lộ trình lắp đặt đường ống vì dự án có thể được thay đổi nếu Trung Quốc đồng ý tham gia.

Iran, Pakistan và Ấn Độ đã có kế hoạch xây dựng 2.700km đường ống để cung cấp khí đốt cho hai quốc gia Nam Á đang bị thiếu hụt năng lượng trầm trọng, tuy nhiên Ấn Độ đã không tham gia các cuộc đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.