Iraq: Biểu tình chống chính phủ gây thiệt hại hàng tỷ USD

Thủ tướng Abdul-Mahdi cảnh báo biểu tình đã làm trì hoãn việc vận chuyển hàng hóa, gây ra tăng giá cho chính người dân và tác động tiêu cực đến những người nghèo khó.
Iraq: Biểu tình chống chính phủ gây thiệt hại hàng tỷ USD ảnh 1Người biểu tình tập trung tại quảng trường Tahrir ở Baghdad, Iraq, ngày 30/10/2019. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Ngày 3/11, Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi khẳng định làn sóng biểu tình phản đối chính phủ đang đe dọa lợi ích ngành dầu mỏ cũng như việc các cảng của Iraq bị phong tỏa đang gây thiệt hại cho đất nước "nhiều tỷ USD."

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi làn sóng biểu tình tiếp tục diễn biến phức tạp tại Iraq, khiến hơn 250 người thiệt mạng từ đầu tháng 10 đến nay.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực Trung Đông, trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Abdul-Mahdi cảnh báo biểu tình đã làm trì hoãn việc vận chuyển hàng hóa, gây ra tăng giá cho chính người dân và tác động tiêu cực đến những người nghèo khó.

Theo ông, biểu tình đã tác động đến tăng trưởng kinh tế làm trì hoãn việc đệ trình ngân sách năm 2020.

[Iraq: Biểu tình tại thành phố cảng khiến hàng trăm người bị thương]

Tuần trước, Tổng thống Iraq Barham Salih cho biết Thủ tướng Abdul-Mahdi đã sẵn sàng từ chức do khủng hoảng một khi các nhà lãnh đạo chính trị thống nhất về người thay thế.

Tuy nhiên, tuyên bố Thủ tướng Abdul-Mahdi không đề cập đến việc từ chức, thay vào đó tập trung vào vấn đề thiệt hại kinh tế do biểu tình.

Ông Abdul-Mahdi kêu gọi những người biểu tình "sau khi đạt được mục đích" cần phải chấm dứt việc ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và thương mại của đất nước.

Hiện Umm Qasr, cảng chính của Iraq ở vùng Vịnh và gần thành phố Basra, nơi tiếp nhận phần lớn hàng hóa nhập khẩu của nước này như ngũ cốc, dầu thực vật và đường, đã hoàn toàn đình chỉ hoạt động từ hôm 30/10 đến nay, do bị hàng nghìn người biểu tình phong tỏa mọi tuyến đường dẫn đến cảng.

Cảnh sát hôm 2/11 đã phải sử dụng đạn thật và hơi cay để giải tán người biểu tình song thất bại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.