Iraq chính thức ấn định mức trần của sản lượng dầu mỏ

Trong một tuyên bố được đưa ra tối 22/9, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Jabar al-Luaibi đã ấn định trần sản lượng của Iraq từ 4,75-5 triệu thùng dầu/ngày.
Iraq chính thức ấn định mức trần của sản lượng dầu mỏ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Jabar al-Luaibi khẳng định nước này ủng hộ mọi thỏa thuận nhằm hỗ trợ giá dầu trên thị trường quốc tế trước thềm hội nghị các nhà sản xuất dầu mỏ diễn ra vào tuần tới tại Algeria, đồng thời nhấn mạnh việc giá dầu dao động trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất.

Các nước thành viên OPEC và các nhà sản xuất không thuộc OPEC dự kiến nhóm họp vào ngày 28/9 tới tại Algeria trong một nỗ lực đạt được thỏa thuận nhằm tăng giá dầu bằng cách hạn chế sản lượng dầu.

Trong tháng Tư, các nhà sản xuất dầu mỏ đã nhóm họp ở Qatar để thảo luận về đề xuất trên song đã thất bại sau khi Iran, quốc gia mong muốn thúc đẩy xuất khẩu sau nhiều năm bị áp đặt lệnh trừng phạt, từ chối tham gia.

Trong một tuyên bố được đưa ra tối 22/9, Bộ trưởng al-Luaibi đã ấn định trần sản lượng của Iraq từ 4,75-5 triệu thùng dầu/ngày.

Ông al-Luaibi cho biết "chính sách cố định của Iraq là nhằm duy trì sự đóng góp của nước này" trong thị trường dầu toàn cầu.

Ông nêu rõ: "Chính sách dầu mỏ của Iraq nhằm mục đích hợp tác với các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để đạt được sự cân xứng trong cung và cầu, cũng như sự ổn định của thị trường."

Hiện, giá dầu thô được giao dịch ở mức 46 USD/thùng, giảm từ mức hơn 100 USD vào giữa năm 2014. Giá dầu thấp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách quốc gia của Iraq, với thu nhập từ dầu mỏ chiếm gần 95%.

Tình trạng này đã đẩy Iraq vào một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng trong bối cảnh nước này đang phải chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.