Mở cửa thị trường London phiên ngày 23/9, giá dầu giảm nhẹ do giới đầu tư bán ra chốt lời sau hai phiên tăng giá mạnh trước đó, đồng thời các nhà giao dịch chuyển sự chú ý đến cuộc họp sắp diễn ra của các nước sản xuất “vàng đen” chủ chốt vào tuần tới.
Vào lúc 17 giờ (theo giờ Việt Nam), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 11/2017 giảm 77 xu Mỹ xuống 45,55 USD mỗi thùng. Còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 56 xu Mỹ xuống 47,09 USD mỗi thùng.
Nga và các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), dẫn dầu là Saudi Arabia, sẽ nhóm họp từ 26-28/9 tại Algeria, nhằm thảo luận để tìm cách giải quyết tình trạng dư cung dai dẳng, vốn gây sức ép lên thị trường “vàng đen” kể từ năm 2014.
Hiện vẫn chưa rõ liệu có thể đạt được một thỏa thuận về việc sẽ duy trì các mức sản lượng hiện nay hay cắt giảm sản lượng tại hội nghị trên hay không, song nhiều thông tin cho biết việc Saudi Arabia, Iran và Qatar có cuộc gặp tại trụ sở chính của OPEC ở Vienna đã làm dấy lên sự lạc quan trên thị trường.
Hồi tháng Tư, nỗ lực nhằm “đóng băng” sản lượng của Saudi Arabia đã bị “phá sản” sau khi Iran từ chối tham gia.
Iran tuyên bố rằng nước này cần tăng sản lượng lên bằng mức trước khi bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng kinh tế.
Chuyên gia người Pháp Francis Perrin nhận định Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cần phải sớm tìm ra một thỏa thuận với một số nước ngoài OPEC để đóng băng sản lượng, đồng thời nhấn mạnh OPEC có trách nhiệm lớn trong việc ổn định thị trường dầu mỏ vì sản lượng của OPEC đã tăng trong khi sản lượng của các nước ngoài OPEC đã giảm.
Theo ông Perrin, trong bối cảnh này, OPEC có trách nhiệm lớn. Gánh nặng giảm hay đóng băng sản lượng cần phải được chia sẻ với các nước ngoài OPEC như Nga.
Ông Perrin nhắc lại trong báo cáo tháng Chín của mình, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng cung nhiều hơn cầu sẽ chưa thể giải quyết trong năm 2016.
Sản lượng của các nước ngoài OPEC đã giảm và nhu cầu thế giới tăng nhưng có vẻ chậm lại, trong khi hoạt động sản xuất của OPEC ở mức cao chủ yếu là do Saudi Arabia, Iraq và Iran. Tái cân bằng thi trường sẽ không diễn ra trước năm 2017.
Về cuộc họp không chính thức của OPEC dự kiến diễn ra vào tuần tới tại Algeria, ông Perrin cho rằng đừng trông đợi sẽ có một quyết định chính thức (về vấn đề cắt giảm sản lượng).
Liên quan đến diễn đàn năng lượng quốc tế (FIE) với sự tham dự của đại diện 72 nước sản xuất và tiêu thụ, ông Perrin cho biết đây không phải cuộc họp giữa các nước thành viên OPEC và ngoài OPEC như đã diễn ra tại Doha.
Vai trò của diễn đàn này là thúc đẩy đối thoại năng lượng thế giới, chứ không phải đưa ra quyết định về thị trường và giá dầu; việc trao đối quan điểm giữa các nước trong và ngoài OPEC sẽ rất có ích và cần thiết.
Tuy nhiên, ông Perrin cũng nhấn mạnh rất thú vị khi tập hợp được cả sáu nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới tham dự là Saudi Arabia, Iraq, Iran, Mỹ, Nga, Canada và Trung Quốc./.