Iraq thông báo mở lại các nhà máy chiến lược ở thành phố miền Nam Basra

Iraq đã mở cửa trở lại một số nhà máy quan trọng ở Basra sau nhiều năm phải đóng cửa vì cuộc chiến tranh do Mỹ phát động hơn 20 năm trước.

Một cơ sở khai thác dầu tại Karbala (Iraq). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cơ sở khai thác dầu tại Karbala (Iraq). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 9/3, Iraq đã mở cửa trở lại ba nhà máy quan trọng ở thành phố Basra ở miền Nam, sau nhiều năm phải đóng cửa do Mỹ phát động cuộc chiến tranh tại Iraq vào tháng 3/2003.

Trong một tuyên bố, Văn phòng Thủ tướng Iraq cho biết một nhà máy cán thép có công suất hàng năm là 500.000 tấn, bị ngưng hoạt động từ năm 2003, đã được khôi phục hoạt động trở lại. Nhà máy này trực thuộc Công ty Sắt thép Nhà nước Iraq.

Tuyên bố dẫn lời Thủ tướng Mohammed Shia' al-Sudani khẳng định rằng việc vận hành nhà máy này sẽ giúp Iraq giảm nhập khẩu sắt và thép, tiết kiệm ngoại tệ và cung cấp sản phẩm quốc gia cũng như tạo thêm nhiều cơ hội việc làm mới.

Ngoài ra, một nhà máy sản xuất phân bón ure có công suất 1.000 tấn/ngày và một nhà máy phân bón DAP có công suất 500.000 tấn/năm, đều thuộc Công ty Phân bón Quốc gia miền Nam. Hai nhà máy này đều bị đóng cửa nhiều năm và được tái khởi động sau khi ký hợp đồng với hai công ty nước ngoài.

Thủ tướng al-Sudani nhấn mạnh vai trò then chốt của tỉnh Basra không chỉ với vai trò là cảng biển quan trọng và trung tâm sản xuất dầu mỏ, mà còn đặt mục tiêu trở thành một trung tâm công nghiệp quan trọng.

Cuộc chiến tranh do Mỹ phát động tại Iraq năm 2003 đã dẫn tới việc đóng cửa nhiều nhà máy ở quốc gia Trung Đông này, do tình hình hỗn loạn, căng thẳng và an ninh không ổn định.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Chính phủ Iraq đã bắt đầu mở cửa trở lại một số nhà máy, để giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu dầu thô, vốn chiếm hơn 90% nguồn thu của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.