ISTAT: Người Italy ngày càng nghèo hơn, già hơn và cô đơn hơn

Trong khi Italy vẫn là một trong những nền kinh tế giàu có nhất thế giới, báo cáo về tình trạng kinh tế của nước này cho thấy điều kiện tổng thể của người dân đã xấu đi trong những năm gần đây.
ISTAT: Người Italy ngày càng nghèo hơn, già hơn và cô đơn hơn ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Rome, Italy ngày 30/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo cáo thường niên năm 2022 của Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT), được công bố ngày 8/7, cho thấy trung bình người dân nước này trở nên nghèo hơn, già hơn và có nhiều khả năng sống cô đơn hơn so với một thế hệ trước.

Trong khi Italy vẫn là một trong những nền kinh tế giàu có và phát triển nhất thế giới, báo cáo về tình trạng kinh tế của nước này cho thấy điều kiện tổng thể của người dân đã xấu đi trong những năm gần đây.

Báo cáo cho hay trong năm 2021, có tới 5,6 triệu người dân Italy sống trong tình trạng nghèo đói tuyệt đối, chiếm khoảng 9,4% dân số, gần gấp 3 lần số người trong tình trạng đói nghèo tuyệt đối năm 2005 (1,9 triệu).

Số hộ gia đình nghèo đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian này, từ 800.000 gia đình lên 1,96 triệu (7,5% tổng số hộ gia đình).

Báo cáo cũng cho biết tỷ lệ người nghèo trong độ tuổi từ 18-34 đã tăng gần gấp 4 lần, từ 3,1% lên 11,1%, còn tỷ lệ trẻ vị thành niên nghèo tăng từ 3,9% lên 14,2%.

Một người sống trong tình trạng "nghèo đói tuyệt đối" nghĩa là họ không có khả năng đáp ứng các nhu cầu tiêu chuẩn hàng ngày, bao gồm chỗ ở đầy đủ, chế độ ăn uống lành mạnh và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, 4,9 triệu người khác đang có việc làm nhưng được coi là "dễ bị tổn thương."

Điều này có nghĩa là họ chỉ còn cách một tháng lương nữa là bị xếp vào tình trạng nghèo đói tuyệt đối, do một loạt các điều kiện công việc bấp bênh.

Tuy nhiên, báo cáo nói rằng các chương trình trợ cấp và hỗ trợ của chính phủ đã giúp số liệu nghèo đói không tăng cao hơn.

ISTAT cho biết trong khi những người sống trong tình trạng nghèo tương đối chiếm 18,7% dân số vào năm 2020, con số đó sẽ tăng lên 28,8% nếu không có các chương trình của chính phủ.

Báo cáo cũng làm sáng tỏ tình trạng dân số già của nước này: Độ tuổi trung bình của các bà mẹ sinh con đầu lòng tại Italy là 31,4 tuổi, tăng hơn 3 tuổi kể từ năm 1995. Do tỷ lệ sinh giảm, độ tuổi trung bình tại Italy đang tăng lên.

Quốc gia này hiện có 14 triệu người trên 65 tuổi, con số cao nhất từ trước đến nay.

ISTAT cho biết, hiện Italy có nhiều hộ gia đình hơn bao giờ hết, nhưng các quy mô các hộ gia đình ngày càng nhỏ, trung bình mỗi hộ có 2,3 cá nhân trong giai đoạn 2020-21, giảm so với 2,6 cá nhân/hộ gia đình hai thập kỷ trước đó.

Trong khi đó, 33,2% người sống một mình trong giai đoạn 2020-21, lần đầu tiên vượt qua tỷ lệ hộ gia đình có hai người lớn và ít nhất một trẻ em, chiếm 31,2% số hộ gia đình.

ISTAT ước tính rằng đến năm 2045, các gia đình không có con sẽ nhiều hơn những gia đình có con.

[Du lịch Italy được dự báo trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023]

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Italy Daniele Franco đã bày tỏ lạc quan về đà tăng trưởng trong quý 2/2022 của nước này. 

Phát biểu tại hội nghị thường niên Hiệp hội Ngân hàng Italy (ABI), Bộ trưởng Franco nhận định tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong quý vừa kết thúc có thể giúp đưa mức tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) năm nay của Italy lên 3%.

Bộ trưởng Kinh tế Italy cũng cho biết giá trị sản xuất công nghiệp của nước này trong quý 2 đã tăng 2%.

Bộ trưởng Franco nhấn mạnh rằng Chính phủ Italy sẽ tiếp tục giảm bớt chi phí năng lượng tăng cao của người dân Italy, nhưng với sự can thiệp có chọn lọc vào cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt.

Về khoản tiền hỗ trợ gây tranh cãi để giúp các hộ gia đình tiết kiệm năng lượng hơn, ông Franco cho biết, Chính phủ Italy sẽ thiết lập một cơ quan "kiểm soát" để thu hồi số tiền mà những người yêu cầu trợ cấp đã gian lận.

Quan chức này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo công ăn việc làm và cho biết việc giảm thuế lao động là một ưu tiên.

Ông nói với các chủ ngân hàng rằng cần phải thúc đẩy tỷ lệ việc làm, hiện đặc biệt thấp, hướng đến những người trẻ tuổi và phụ nữ. Việc cắt giảm thuế là một ưu tiên và cho biết điều này sẽ được đưa vào dự luật ngân sách tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.