Italy đình chỉ Hiệp ước Schengen, kiểm soát biên giới với Slovenia

Thủ tướng Italy nhấn mạnh việc đình chỉ Hiệp ước Schengen là cần thiết do căng thẳng ngày càng leo thang ở Trung Đông, dòng người di cư gia tăng dọc tuyến Balkan và trên hết là lý do an ninh quốc gia.
Italy đình chỉ Hiệp ước Schengen, kiểm soát biên giới với Slovenia ảnh 1Người di cư trên đảo Lampedusa, Italy ngày 16/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/10, Italy đã tạm thời đình chỉ Hiệp ước Schengen về tự do đi lại trong Liên minh châu Âu (EU), đồng thời tái kích hoạt các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovenia trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Đông Âu và Trung Đông.

Hoạt động kiểm soát tại khu vực biên giới giữa hai nước bắt đầu được triển khai từ ngày 21/10 và kéo dài ít nhất 10 ngày.

Trước đó, một số quốc gia thành viên EU khác cũng công bố những động thái tương tự, do lo ngại bạo lực cực đoan và vấn đề người di cư.

[Italy và Anh có cùng quan điểm, mục tiêu trong giải quyết vấn đề di cư]

Chính phủ Italy cho biết mục tiêu là nhằm nhanh chóng đưa các cửa khẩu biên giới thông quan tự do trở lại, song không loại trừ khả năng biện pháp này vẫn có thể được gia hạn.

Qua các phương tiện truyền thông xã hội, Thủ tướng Giorgia Meloni nhấn mạnh việc đình chỉ Hiệp ước Schengen là cần thiết do căng thẳng ngày càng leo thang ở Trung Đông, dòng người di cư gia tăng dọc tuyến Balkan và trên hết là vì lý do an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Nội vụ Slovenia Bostjan Poklukar đã được thông báo về quyết định này.

Ông nhấn mạnh với phía Italy rằng đây chỉ là biện pháp tạm thời và phải được thực hiện một cách cân đối.

Theo ông, nên duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới theo hướng thân thiện với công dân Slovakia để không phá vỡ sự giao lưu văn hóa, các mối quan hệ bạn bè và gia đình của những người sống dọc biên giới.

Trước đó, ngày 17/10, cảnh sát Italy đã bắt giữ hai đối tượng tình nghi tuyển mộ các tay súng cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Mặc dù Ngoại trưởng Antonio Tajani đã hạ cảnh báo mối đe dọa trước mắt về một cuộc tấn công khủng bố ở Italy, song nhấn mạnh rằng điều quan trọng là quốc gia Nam Âu này phải duy trì cảnh giác.

Trước đó cùng ngày, một tay súng gốc Tunisia bắn chết 2 người hâm mộ bóng đá ở Brussels. Vụ việc này đã làm gióng lên hồi chuông cảnh báo an ninh cao độ trên toàn EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.