Giới chức Italy tiếp tục gia tăng sức ép đòi nhà chức trách Ai Cập phải làm sáng tỏ về những nguyên nhân và thủ phạm đã dẫn đến cái chết của nghiên cứu sinh Giulio Regeni, trong khi quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên xấu đi.
Trả lời nhật báo bán chạy nhất Italy Corriere della Sera, ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni khẳng định, Italy đang "xem xét các biện pháp cần thiết" để đáp trả sự thiếu hợp tác và không rõ ràng của phía Ai Cập trong việc phối hợp điều tra về cái chết của người thanh niên 28 tuổi này, đồng thời tuyên bố Ai Cập có thể sẽ phải chịu các "hậu quả" nếu như sự việc không được giải quyết hợp lý.
Ông Gentiloni cũng bác bỏ tất cả các giải thích của các nhà điều tra Ai Cập về cái chết của Regeni. "Hàng loạt những giả thiết không thực tế mà phía Ai Cập đưa ra chỉ làm nhân lên nỗi đau của gia đình nạn nhân và khiến Italy căm phẫn," ông nói.
Giulio Regeni, một nghiên cứu sinh tiến sỹ về công đoàn đang theo học tại Đại học Cambridge và đang có mặt ở Ai Cập để thực hiện công trình của mình, đã mất tích tại Cairo hôm 25/1.
Xác của Regeni được tìm thấy ở ngoại ô Cairo hôm 3/2, cho thấy nhiều dấu vết của việc bị tra tấn trong một thời gian dài, dẫn đến tử vong.
Hôm 24/3, Bộ Nội vụ Ai Cập đưa ra thông cáo về việc họ đã thu được hộ chiếu và một vài giấy tờ cá nhân của Regeni sau một vụ bố ráp một nhóm cướp ở Cairo, tiêu diệt cả 5 tên.
Bộ Nội vụ Ai Cập nói rằng, Regeni đã bị nhóm cướp giả danh làm cảnh sát này bắt cóc và tra tấn đến chết. Tuy nhiên, phía Italy cho rằng, các chi tiết liên quan đến việc bị bắt cóc là phi lí và không đồng ý với các lập luận này.
Hôm 29/3, cha mẹ của Regeni đã ra điều trần trước Thượng viện Italy và đòi Ai Cập phải đáp ứng các hợp tác điều tra với các công tố viên Italy được cử sang Ai Cập, nếu không, họ sẽ công bố trước dư luận ảnh thi thể của Regeni.
"Tôi chỉ có thể nhận ra được con trai tôi qua mũi của tử thi," bà Paola Regeni, mẹ Giulio Regeni nói. "Những gì xảy ra với con trai tôi không khác gì thời phátxít, khi họ đã tra tấn Giulio nhiều ngày cho đến khi con trai tôi chết."
Ngày 5/4 là thời hạn phía Italy yêu cầu Ai Cập phải chuyển giao cho họ các tài liệu có liên quan đến cái chết của Regeni và hợp tác toàn diện trong việc điều tra.
Báo chí Italy đã đặt ra nhiều nghi vấn về việc Regeni đã "biết quá nhiều" sau những điều tra của anh về các hoạt động công đoàn ở Ai Cập và sau đó đã bị mật vụ nước này thủ tiêu vì nghi rằng Regeni làm việc cho tình báo Italy.
Theo báo chí Italy, vụ việc này đã khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua và có khả năng ảnh hưởng lớn tới quan hệ thương mại giữa hai bên.
Italy hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ai Cập ở châu Âu, sau Đức, với kim ngạch trao đổi hai chiều đạt 5 tỷ euro vào năm 2014. Tuy nhiên, quan hệ xấu đi trong một tháng qua đã khiến nhiều hoạt động đầu tư của Italy vào Ai Cập ngưng trệ.
Các hiệp định thương mại được kí kết hôm 3/2 vừa qua, khi Bộ trưởng phát triển kinh tế Italy Federica Guidi dẫn đầu một đoàn 60 doanh nghiệp sang Cairo, chưa được triển khai do vụ này.
Hôm 3/2 cũng chính là ngày mà người ta phát hiện ra xác của Regeni ở ngoại ô Cairo. Italy cũng không loại trừ khả năng sẽ triệu hồi Đại sứ nước này tại Ai Cập về nước như một hành động phản đối mạnh mẽ.
Thái độ cứng rắn của Italy hiện được báo chí nhiều nước Phương Tây, trong đó có Anh và Mỹ ủng hộ. Nhật báo New York Times hôm 29/3 đã yêu cầu chính quyền Washington "xem xét lại" quan hệ của Mỹ với Tổng thống Ai Cập Al-Sisi vì vi phạm "nhân quyền"./.