Các bộ trưởng kinh tế Đức, Pháp và Italy ngày 30/10 tuyên bố luật điều chỉnh trí tuệ nhân tạo (AI) của Liên minh châu Âu (EU) phải dựa trên cách tiếp cận “thân thiện với đổi mới,” đồng thời kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới.
Sau cuộc họp ở Rome, các bộ trưởng kinh tế của ba nền kinh tế lớn nhất EU đã hoan nghênh dự luật đầu tiên trên thế giới về AI, dự kiến sẽ được nhất trí vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố chung, 3 thành viên EU nói rằng: “Điều tối quan trọng là phải đảm bảo rằng luật ở EU được đưa ra không có quan liêu và tình trạng quan liêu hiện nay phải được cắt giảm.”
Đại diện ba nước thành viên nhắc lại cam kết của mình về cách tiếp cận thân thiện với đổi mới và dựa trên rủi ro, giảm bớt gánh nặng hành chính không cần thiết đối với các công ty có thể cản trở khả năng đổi mới của châu Âu.
Luật sẽ điều chỉnh AI theo mức độ rủi ro: ví dụ, rủi ro đối với quyền hoặc sức khỏe của cá nhân càng cao thì nghĩa vụ của hệ thống càng lớn.
Các bộ trưởng cho biết EU nên đặt AI làm “cốt lõi trong chính sách công nghiệp” của mình, đồng thời cho rằng công nghệ này “sẽ có những tác động quan trọng đối với sức mạnh, năng suất và khả năng cạnh tranh công nghiệp của chúng ta.”
[Dự luật về Trí tuệ Nhân tạo có thể gây tổn hại cho châu Âu]
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire lại tỏ ra lo ngại về việc đầu tư của châu Âu không đủ.
Hiện Mỹ đã đầu tư khoảng 50 tỷ euro (53 tỷ USD) vào AI hồi năm ngoái, trong khi EU chỉ đầu tư có 5 tỷ euro và Trung Quốc đầu tư 10 tỷ euro.
Bộ trưởng Doanh nghiệp Italy Adolfo Urso, chủ trì cuộc đàm phán ngày 30/10, cho biết AI sẽ là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7 của Italy vào năm 2024./.