Theo phóng viên TTXVN tại Italy, ngày 29/8, chính phủ nước này đã thông qua một quyết sách với tên gọi "Khai thông Italy" nhằm tiến hành cải cách hệ thống tư pháp, giáo dục, kinh tế, đồng thời hoàn thiện bộ máy hành chính công nhằm giảm tệ quan liêu và khuyến khích đầu tư vào nền kinh tế.
Quyết sách "Khai thông Italy" cũng nhằm đưa hệ thống luật pháp Italy đến gần hơn với các quy định trong Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu trong cuộc họp báo ở dinh Thủ tướng ngay sau khi quyết sách được thông qua, Thủ tướng Matteo Renzi cam kết sẽ chi 4,6 tỷ euro để xây mới 5 sân bay, thêm 3,8 tỷ euro cho các dự án hiện đang được xây dựng và sẽ đầu tư 10 tỷ euro trong vòng 12 tháng tới vào các dự án công ở miền Nam Italy, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng, trong đó có các công trình xây dựng đường cao tốc nối giữa các thành phố Napoli và Bari cũng như hai thành phố Palermo và Messina trên đảo Sicily.
Quyết sách cũng bao gồm cả việc chính phủ sẽ tăng cường hỗ trợ cho giáo dục thông qua gói tài chính để hý hợp đồng với 100.000 giáo viên mới.
Ông Renzi cũng khẳng định rằng chính phủ sẽ tiếp tục duy trì trong vài năm nữa cải cách thuế thu nhập đối với khoảng 11 triệu người thu nhập thấp ở Italy, cho phép họ không phải nộp một khoản thuế trị giá 80 euro hàng tháng.
Liên quan đến cải cách hệ thống tư pháp, Chính phủ Italy đã thông qua những biện pháp mà Thủ tướng Renzi ca ngợi là "cách mạng" khi nó nhằm rút ngắn quy trình xử lý các vụ án dân sự đang tồn đọng ở các tòa án Italy.
Chính phủ cũng tuyên bố sẽ mạnh tay và chặt chẽ hơn với các hành động làm sai lệch hoặc giả mạo giấy tờ tài chính, khẳng định sẽ kết án tù những ai vi phạm.
Về kinh tế, Thủ tướng Renzi khẳng định Italy vẫn tuân thủ chặt chẽ tỷ lệ nợ ở mức trần 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quy định của EU.
Quyết sách "Khai thông Italy" trị giá nhiều tỷ euro được báo chí trong nước đánh giá là đầy tham vọng này được đưa ra vào thời điểm nền kinh tế Italy rơi vào đợt suy thoái thứ 3 trong vòng 6 năm qua, trong một cuộc khủng hoảng nặng nề nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.
Theo Cơ quan Thống kê nhà nước Italy (ISTAT), trong tháng Tám này, lần đầu tiên Italy rơi vào tình trạng giảm phát kể từ năm 1959. Chỉ số lòng tin của người tiêu dùng sụt giảm tháng thứ 3 liên tiếp, các doanh nghiệp bi quan về khả năng phục hồi của nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao (12,6%) và có khả năng sẽ còn tăng cao nữa cho đến cuối năm.
Nền kinh tế Italy là một trong những nền kinh tế kém năng động nhất trong hai thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, Thủ tướng Matteo Renzi tin tưởng sẽ đưa được đất nước trở lại con đường phát triển nếu tập trung vào những thế mạnh và "dám làm những việc các nước khác không làm"./.